Điểm d Khoản 3 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 quy định việc thực hiện chỉ định thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện: có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay.
Ông Minh Đạo (Hà Nội) hỏi, dự toán được phê duyệt là dự toán gói thầu hay dự toán dự án?
Vì có trường hợp lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu sau khi dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thì đơn vị thẩm định không cho phép chỉ định thầu các gói thầu đáp ứng Điểm m Khoản 3 Điều 23 Luật Đấu thầu với lý do, chưa phê duyệt dự toán dự án.
Trong khi để phê duyệt dự toán dự án (ở giai đoạn thiết kế chi tiết - dự toán) thì phải thực hiện trước các gói thầu này (ví dụ tư vấn đấu thầu thiết kế - dự toán, tư vấn thẩm tra thiết kế - dự toán, tư vấn thẩm định giá... đều nằm trong hạn mức chỉ định thầu).
Nếu như vậy, tất cả gói thầu đối với dự án hai bước thiết kế đều không được chỉ định thầu khi mà chưa đến giai đoạn thiết kế chi tiết - dự toán (phải đợi phê duyệt dự toán), cho dù hạn mức gói thầu đáp ứng Điểm m Khoản 3 Điều 23 Luật Đấu thầu.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023, việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các Điểm d, đ, e, g, h, i, k, 1 và m Khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có quyết định đầu tư được phê duyệt đối với dự án, trừ gói thầu tư vấn phục vụ công tác chuẩn bị dự án;
- Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
- Đã được bố trí vốn để thực hiện gói thầu;
- Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay.
Theo đó, trường hợp các gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu nêu tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu thì phải có dự toán được phê duyệt cho gói thầu (dự toán gói thầu) để đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nêu trên.
Chinhphu.vn