Tổng cục Hải quan đã có văn bản giải đáp một số vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về vấn đề quản lý nợ thuế đối với các loại thuế do cơ quan hải quan quản lý.
Cụ thể, theo Điều 45 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 quy định:
“Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền chậm nộp, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự sau đây:…
2. Đối với các loại thuế do cơ quan hải quan quản lý:
a) Tiền thuế nợ quá hạn thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
b) Tiền chậm nộp thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
c) Tiền thuế nợ quá hạn chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
d) Tiền chậm nộp chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
đ) Tiền thuế phát sinh;
e) Tiền phạt”.
Khoản 1, Điều 9 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan”.
Điểm c, Khoản 3, Điều 47 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2017 của Bộ Tài chính quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tờ khai hải quan mới phát sinh chỉ được thông quan khi người nộp thuế không còn nợ quá hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”.
Căn cứ quy định trên, để được thông quan hoặc giải phóng các lô hàng tiếp theo thì người nộp thuế phải thực hiện thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo thứ tự nêu trên, trong đó, đối với tiền thuế phát sinh của lô hàng tiếp theo, phải nộp thuế hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.
Chinhphu.vn