Cơ quan của ông Trần Văn Đức (Hà Nội) đang tiếp nhận tờ trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 52 công trình nâng cấp, cải tạo đường ngang từ biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động (52 công trình tương đương 270 đường ngang trên 7 tuyến đường sắt quốc gia với phạm vi từ Lạng Sơn đến tỉnh Đồng Nai - 34 tỉnh, thành phố; khối lượng chính là phần thông tin - tín hiệu đường sắt) của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - Chủ đầu tư.
Theo nội dung tờ trình, đối với gói thầu số 2 (tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị vào công trình), chủ đầu tư đề xuất tự thực hiện gói thầu số 2.
Với tiến độ phải hoàn thành trước tháng 12/2019, phạm vi thực hiện rộng trên 7 tuyến đường sắt quốc gia, trải dài từ Lạng Sơn tới Đồng Nai, liên quan 34 tỉnh thành phố, nhân sự tư vấn giám sát xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị vào công trình hạn chế và chỉ có 1 Ban quản lý dự án có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như đã nêu ở trên.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Đức hỏi, Ban quản lý dự án đường sắt KV2 mới được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng với lĩnh vực hoạt động như đã nêu ở trên mà chưa có lĩnh vực giám sát lắp đặt thiết bị vào công trình (lắp đặt thiết bị thông tin - tín hiệu đường sắt). Như vậy chứng chỉ năng lực của Ban chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định có phải không?
Trường hợp Ban quản lý dự án đường sắt đáp ứng yêu cầu Khoản 33, Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP thì vẫn yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho lĩnh vực giám sát thi công (gồm xây dựng, lắp đặt thiết bị) có phải không?
Có quy định nào cho phép 1 chỉ huy trưởng và tư vấn giám sát trưởng quản lý, điều hành, giám sát cùng lúc 3 công trình trên 3 tỉnh thành khác nhau và phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không, hướng mở cho tình huống này?
Công trình đường ngang gồm: Đường bộ, thông tin, tín hiệu, điện, tư vấn giám sát cần có chứng chỉ giám sát từng hạng mục nêu trên, phù hợp với chuyên môn đào tạo hay không?
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Theo Khoản 1, Điều 121 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 thì chủ đầu tư được tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công và tự chịu trách nhiệm về việc giám sát của mình. Do thông tin cung cấp không ghi rõ lĩnh vực hoạt động xây dựng được cấp chứng chỉ nên đề nghị ông Trần Văn Đức tham khảo quy định tại Khoản 33, Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để xác định phạm vi công việc của tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng được cấp chứng chỉ.
Về nội dung liên quan đến giám sát trưởng, chỉ huy trưởng công trường, Khoản 2, Điều 122 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định nhà thầu giám sát thi công thực hiện theo hợp đồng.
Do vậy, nhiệm vụ của tư vấn giám sát trưởng được căn cứ vào hợp đồng giám sát đã ký kết và các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của giám sát trưởng tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư 04/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng để thực hiện cho phù hợp.
Khoản 2, Điều 133 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định nhà thầu thi công thực hiện thi công xây dựng theo hợp đồng xây dựng. Hiện nay, pháp luật không quy định về việc chỉ huy trưởng công trường thực hiện quản lý một hay nhiều công trình cùng một thời điểm.
Do vậy, chỉ huy trưởng công trường cần căn cứ vào hợp đồng xây dựng đã ký kết và các yêu cầu kỹ thuật của dự án để tổ chức quản lý, điều hành công trường, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.