In bài viết

Chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm tuần thứ tư liên tiếp

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trải qua tuần giảm thứ tư liên tiếp với 4 phiên giảm trong tuần, kéo chỉ số MXV- Index giảm 3,09% xuống 2.158 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.

15/05/2023 09:14
Chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm tuần thứ tư liên tiếp - Ảnh 1.

Đáng chú ý, với ưu điểm giao dịch 2 chiều, các nhà đầu tư trong nước vẫn có xu hướng mở một lượng lớn các vị thế bán trong tuần qua, giúp giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận mức tăng 5%, đạt trung bình 4.200 tỷ đồng/ngày.

Giá đậu tương xuống mức thấp nhất từ tháng 10/2022

Kết thúc tuần giao dịch 8-14/5, với 4 trên 5 phiên giảm mạnh, giá đậu tương đánh mất mức hỗ trợ tâm lý 1.400 cents, xuống 1.390 cents/giạ, thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Theo báo cáo Cung – cầu tháng 5 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng đậu tương của Mỹ niên vụ 22/23 sẽ đạt 4,51 tỷ giạ, tăng 5% so với niên vụ trước, chủ yếu nhờ năng suất cải thiện. Tồn kho cả 2 niên vụ 22/23 và 23/24 của nước này cũng đều được dự báo cao hơn so với mức kỳ vọng của thị trường.

Ngoài ra, ước tính sản lượng vốn đang ở mức kỷ lục của Brazil tiếp tục được gia tăng 1 triệu tấn, lên mức 155 triệu tấn nhờ thời tiết giai đoạn phát triển và thu hoạch thuận lợi.

Theo đó, dự báo tồn kho đậu tương toàn cầu niên vụ 23/24 sẽ đạt 122,50 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 108,07 triệu tấn trước báo cáo. Những số liệu trên đều củng cố cho triển vọng nguồn cung gia tăng và là nguyên nhân chính khiến giá đậu tương giảm mạnh.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm tuần thứ tư liên tiếp - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu đậu tương của Brazil hiện đang được đẩy mạnh cũng góp phần tạo sức ép cạnh tranh tới giá giao dịch trên Sở Chicago trong ngắn hạn. Theo MXV, nếu tốc độ xuất khẩu của Brazil tiếp tục được đẩy nhanh cùng dự báo thời tiết vẫn thuận lợi cho hoạt động gieo trồng đậu tương tại Mỹ, giá có thể tiếp tục đà giảm trong tuần này và hướng xuống vùng 1.360 cents.

Hai mặt hàng thành phẩm của hoạt động ép dầu đậu tương lại biến động trái chiều nhau trong tuần trước. Dầu đậu tương lao dốc 8,85%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nửa năm qua khi lo ngại về nguồn cung dầu thực vật được xoa dịu. Trong khi đó, khô đậu tương tăng 1,6% nhờ hỗ trợ từ đà sụt giảm của dầu đậu tương.

9 trên 10 mặt hàng kim loại giảm giá

Nhóm kim loại đóng vai trò dẫn dắt đà giảm của thị trường, khi 9 trên 10 mặt hàng kim loại đang giao dịch tại MXV đóng cửa giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm mạnh 6,85% về 24,15 USD/ounce, mức giá thấp nhất kể từ ngày 4/4. Giá bạch kim giảm nhẹ về 1.067 USD/ounce.

Trong tuần qua, các cuộc đàm phán về trần nợ của Chính phủ Mỹ bị đình trệ và nguy cơ khủng hoảng ngành ngân hàng tiếp tục kéo dài, đã làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế. Dòng vốn được phân bổ mạnh mẽ sang việc nắm giữ đồng tiền trú ẩn USD với tính thanh khoản cao và rủi ro thấp. Chỉ số Dollar Index đạt 102,68 điểm sau khi tăng 1,45%, mức tăng điểm trong một tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 8/2022. Điều này khiến giá vàng, bạc, bạch kim chịu sức ép do chi phí đầu tư đắt đỏ hơn.

Tại Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn dự đoán tăng 0,4%, làm gia tăng áp lực tới giá bạc và bạch kim do vai trò trong ngành công nghiệp suy yếu.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm tuần thứ tư liên tiếp - Ảnh 3.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm mạnh 3,98% về 3,72 USD/ounce, mức giá thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng. Áp lực từ cả hai phía cung – cầu khiến giá đồng chịu sức ép trong tuần qua. Một mặt, đồng USD mạnh lên khiến chi phí mua đắt đỏ hơn, kết hợp với lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu khiến triển vọng tiêu thụ đồng suy yếu. Mặt khác, nguồn cung đồng tương đối ổn định. 

MXV cho biết, giá của hầu hết các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng, nhôm, sắt thép đều đang có xu hướng giảm trong 2 tháng trở lại đây. Tốc độ phục hồi kinh tế chậm hơn kỳ vọng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, đã khiến nhu cầu kim loại làm đầu vào sản xuất suy yếu và tạo áp lực đến giá. Trong khi đó, nguy cơ suy thoái vẫn đang là thách thức lớn với Mỹ, làm gia tăng sức ép bán.

Trong tuần tới, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc như sản lượng công nghiệp hay các khoản đầu tư tài sản cố định trong tháng 4 dự kiến sẽ tác động mạnh tới giá kim loại cơ bản. 

Trong khi đó, giá kim loại quý là bạc và bạch kim chỉ đang suy yếu trong ngắn hạn và vẫn duy trì ở vùng giá cao trong 1 năm trở lại đây. Theo MXV, trong bối cảnh sức khỏe nền kinh tế yếu và biến động vĩ mô còn tiềm ẩn, vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý vẫn sẽ được đề cao, giúp giá các mặt hàng này khó có thể giảm quá mạnh.