Như vậy, chỉ số hàng hoá này đã ghi nhận chuỗi tăng bốn ngày liên tiếp, đồng thời lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 2 năm ngoái. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 6.900 tỷ đồng.
Đóng cửa ngay đầu tuần, giá lúa mì dẫn dắt đà tăng toàn thị trường khi nhảy vọt tới gần 6%, chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp. Với nhịp tăng này, giá lúa mì đã chạm mốc cao nhất kể từ tháng 7/2023. Ngay từ mở cửa, lực mua đã được đẩy mạnh trước những rủi ro xoay quanh triển vọng nguồn cung tại các nước sản xuất lớn. Thậm chí, có thời điểm trong phiên, giá lúa mì đã tăng chạm mức kịch trần.
Hiện tượng sương giá xuất hiện vào đầu tháng 5 đang đe dọa triển vọng mùa vụ tại Nga và Ukraine. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, ước tính đến nay đã có khoảng 900.000 ha diện tích ngũ cốc tại quốc gua xuất khẩu số 1 này đã bị thiệt hại. Trước đó, 8 khu vực sản xuất chính cũng đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về sương giá trên diện rộng và khiến mối ngại về nguồn cung thắt chặt hơn càng được đẩy lên cao. Trong khi đó, tại Ukraine, nhiệt độ giảm sâu cũng có thể làm thiệt hại 20-30% năng suất cây trồng.
Khả năng mất mùa cũng khiến cho xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng. Trong báo cáo tuần này, hãng tư vấn SovEcon dự báo Nga sẽ xuất khẩu 5 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 5, giảm hơn 10% so với tháng trước.
Nhóm kim loại mở rộng đà tăng trong suốt gần 2 tuần trở lại đây. Kết thúc ngày 20/5, ngoại trừ bạch kim, tất cả 10 mặt hàng còn lại đều tăng giá.
Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang phiên thứ năm liên tiếp, với mức tăng 3,73% lên 32,42 USD/ounce, vững vàng neo ở vùng đỉnh 11 năm. Ngay từ đầu phiên giao dịch hôm qua, giá bạc đã bật tăng mạnh nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn an toàn khi bất ổn địa chính trị gia tăng tại Trung Đông. Kim loại quý luôn được coi là hàng rào trú ẩn mỗi khi nền kinh tế có biến động. Do vậy, lo ngại bất ổn địa chính trị gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu tích trữ kim loại quý, hỗ trợ giá bạc tiếp tục tăng mạnh.
Bên cạnh đó, áp lực vĩ mô suy yếu vẫn đang là môi trường đầu tư có lợi cho bạc. Dữ liệu lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến trong tháng 4, kết hợp với thị trường lao động yếu đi đang làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 9.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới, với mức tăng 0,57%. Giá quặng sắt cũng tăng 0,93% lên mức 118,48 USD/tấn. Cả hai mặt hàng tiếp tục được hưởng lợi nhờ tâm lý lạc quan của thị trường sau khi Trung Quốc công bố gói hỗ trợ bất động sản mới.
Gói hỗ trợ được công bố hôm thứ Sáu tuần trước bao gồm một khoản trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ tài trợ các khoản vay cho các công ty nhà nước chịu trách nhiệm mua số lượng nhà ở đã hoàn thiện nhưng chưa bán được. Ngoài ra, từ tuần trước, Chính phủ nước này cũng đã khởi động kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ với tổng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 tỷ USD) nhằm kích thích nền kinh tế.
Trên thị trường nội địa, ngày 19/5 vừa qua, giá thép xây dựng được điều chỉnh giảm trở lại sau hai lần tăng giá trước đó. Cụ thể, trong khi giá thép D10 CB300 ở miền Bắc giữ nguyên mức giá khoảng 14,44 triệu đồng/tấn thì giá thép cuộn CB240 bất ngờ giảm mạnh 150.000 đồng/tấn xuống còn khoảng 14,09 triệu đồng/tấn.
Nhìn chung, mặc dù tình hình kinh tế trong nước ghi nhận những điểm sáng, nhưng xu hướng tăng trưởng nhu cầu thép chưa thực sự rõ nét. Sản lượng thép thành phẩm các loại sản xuất trong tháng 3 đạt mức thấp nhất nếu tính theo giai đoạn cùng kỳ trong 4 năm trở lại đây. Tương tự, sản lượng bán hàng thép thành phẩm trong tháng 3 chỉ nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2022, 2021 và trước đó. Bên cạnh đó, chuẩn bị bước sang quý III khi mùa mưa kéo dài, đồng thời cũng là mùa thấp điểm của ngành xây dựng, tiêu thụ thép cũng hạn chế hơn. Bức tranh tiêu thụ chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt đã gây áp lực lên giá thép trong nước.