Trong đó, giá của nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm, dẫn dắt xu hướng suy yếu chung của toàn thị trường. Sau hai ngày khởi sắc, đóng cửa, chỉ số MXV-Index quay lại đà suy yếu khi đánh mất 0,12% xuống 2.157 điểm.
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, cà phê là mặt hàng có mức sụt giảm mạnh nhất trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong đó, giá cà phê Arabica hạ 3,32%; giá cà phê Robusta cũng lao dốc tới 3,44%.
Chỉ số Dollar Index giảm nhẹ, trong khi đồng Real nội tệ của Brazil yếu đi đã đẩy tỷ giá USD/BRL tăng 1,24%. Việc đồng USD mạnh so với đồng Real tạo tâm lý nông dân Brazil sẽ đẩy mạnh bán cà phê do thu về nhiều ngoại tệ hơn, nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn, từ đó gây sức ép lên giá.
Ngoài ra, báo cáo tiến độ cho thấy Brazil vẫn đang đẩy mạnh hoạt động thu hoạch cà phê. Theo hãng tư vấn Sfras&Mercado, tính đến ngày 17/7, Brazil đã thu hoạch 74% sản lượng cà phê vụ 2024-2025, cao hơn mức 66% của cùng kỳ năm ngoái và 70% của trung bình 5 năm gần nhất. Thời tiết khô ráo dự kiến sẽ nông dân Brazil đẩy nhanh tốc độ, hướng tới việc hoàn thành sớm hoạt động thu hoạch vụ này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (25/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi giảm so với ngày hôm qua, hiện dao động quanh 124.000-124.700 đồng/kg đồng/kg.
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 giảm hơn 1%, chấm dứt chuỗi phục hồi hai phiên liên tiếp. Áp lực bán đè nặng lên đậu tương ngay sau khi mở cửa, trong bối cảnh giá đã chạm mốc cao nhất trong vòng hai tuần nhờ nhịp hồi phục hồi đầu tuần. Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ thấp hơn cũng là yếu tố khiến giá suy yếu trong phiên hôm qua.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết tỉ lệ đậu tương nội địa trên tổng nhu cầu sử dụng của nước này đã tăng 4 điểm phần trăm trong vòng hai năm. Hiện Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là khách mua đậu tương quan trọng nhất của Mỹ. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, nước này đã nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ bằng cách thúc đẩy năng lực sản xuất nội địa, cũng như đa dạng hóa nguồn cung hạt có dầu. Việc Trung Quốc ngày càng cải thiện khả năng tự cung tự cấp đậu tương và triển vọng xuất khẩu đậu tương trong dài hạn của Mỹ đang trở nên kém tích cực hơn đã gây áp lực lớn lên giá mặt hàng này trong phiên hôm qua.
Diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nhóm nông sản, đóng cửa, dầu đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất, lên tới 2,28% khi kết thúc phiên. Nhịp giảm trong phiên hôm qua đã xóa đi hoàn toàn mức tăng mà giá dầu đậu tích lũy được trong hai phiên đầu tuần. Sự cạnh tranh gay gắt của dầu cọ dối với dầu đậu tương trên thị trường xuất khẩu là yếu tố chính gây áp lực lên giá.