|
Việt Nam là quốc gia tiến bộ mạnh về chỉ số kết nối - Ảnh minh họa |
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo xếp hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối toàn toàn cầu năm 2008-2009, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 70 trong số 134 quốc gia, tăng 3 bậc so với năm ngoái (73) và 12 bậc so với năm 2006 (82). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Singapore (xếp thứ 4, tăng 1 bậc) là hai quốc gia duy nhất tăng hạng.
WEF xếp hạng chỉ số này của các quốc gia dựa trên sự đánh giá về mức độ sẵn sàng và mức độ khai thác công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Cụ thể, chỉ số tập trung đánh giá 3 yếu tố chính: môi trường cho phát triển CNTT-TT (chính sách, hạ tầng, ổn định chính trị), sự sẵn sàng của CNTT-TT (mức độ sẵn sàng của người dân, doanh nghiệp và chính phủ) và mức độ sử dụng CNTT-TT của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Theo báo cáo của WEF, Việt Nam đã có tiến bộ mạnh mẽ trong việc thúc đẩy môi trường CNTT-TT, đồng thời đi đầu trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động điều hành kinh tế-xã hội của bộ máy nhà nước. Điều này thể hiện ở chính sách ưu tiên cho CNTT-TT, số lượng văn bản luật trong lĩnh vực CNTT-TT tăng mạnh trong năm 2008, việc đầu tư và sử dụng hiệu quả CNTT-TT của Chính phủ. Báo cáo cũng nhấn mạnh tốc độ phát triển ấn tượng của Việt Nam về kết nối di động, Internet, máy tính và đội ngũ nhân lực CNTT-TT.
Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) cũng vừa công bố báo cáo xếp hạng Chỉ số phát triển ICT toàn cầu (ICT Development Index), xếp hạng Việt Nam đứng thứ 92 trong số 154 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2002 (hạng 107). Đặc biệt, Việt Nam cũng có mặt trong danh sách 10 có tốc độ phát triển ICT nhanh nhất thế giới. Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển dịch vụ điện thoại cố định, di động và Internet. Trong 5 năm, tỷ lệ người dùng di động ở Việt Nam đã tăng hơn chục lần, từ 2 triệu thuê bao năm 2002 lên 24 triệu thuê bao vào năm 2007. Đặc biệt, những số liệu gần đây từ các nhà cung cấp dịch vụ cho thấy số thuê bao di động ở Việt Nam đã tăng lên gấp đôi với 55% dân số sử dụng di động vào cuối năm 2008.
Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ người dân dùng Internet trên 100 dân đã tăng từ 1,8% lên 20%. Với tỷ lệ 1/5 dân số sử dụng Internet, Việt Nam đã vượt khá xa các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) - nhóm quốc gia thu nhập thấp.
Minh Phương
(Tổng hợp)