In bài viết

Chỉ thị 40-CT/TW bám sâu vào cuộc sống ở Kon Tum

(Chinhphu.vn) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" (gọi tắt là Chỉ thị 40), tỉnh Kon Tum đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt nghèo, thay đổi cuộc sống, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, làm tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội dành cho người nghèo của Đảng.

25/06/2024 09:14
Chỉ thị 40-CT/TW bám sâu vào cuộc sống ở Kon Tum- Ảnh 1.

Người dân xã biên giới Ia Tơi, huyện Ia H'Drai nuôi dê từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 54% với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

Ông Lê Danh Thứ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, Kon Tum đã và đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách (TDCS), với tổng dư nợ đạt 4.569 tỷ đồng, tăng 3.128 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Tỉ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 21,7% với gần 74.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng gần 14.000 hộ so với trước khi có Chỉ thị 40. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên. Theo đó, tỉ lệ nợ quá hạn đã giảm từ 0,65% (cuối năm 2014) xuống còn 0,19% (tháng 4/2024).

Dấu ấn rõ nét nhất là cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc lồng ghép, phối hợp giữa chính sách tín dụng ưu đãi với các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế được tổ chức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án phát triển đàn bò lai của tỉnh; dự án trồng cao su tiểu điền cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Đắk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum; mô hình nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản tại xã Văn Lem, huyện Đắk Tô; mô hình nhóm hộ trồng sâm dây tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông; dự án hỗ trợ giảm nghèo phát triển đàn trâu, bò tại huyện Kon Plông, huyện Sa Thầy...

Chỉ thị 40-CT/TW bám sâu vào cuộc sống ở Kon Tum- Ảnh 2.

Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân huyện Đăk Hà sản xuất, thâm canh cà phê

Tại huyện Kon Rẫy, theo bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, đến nay, nguồn vốn TDCS của huyện đạt 373,3 tỷ đồng, tăng 172,81 tỷ đồng (86,2%) so với năm 2018. Trong đó, UBND huyện dành vốn ngân sách địa phương ủy thác với số tiền lũy kế gần 6 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2018 (84,7%). Nguồn vốn TDCS đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và nâng cao thu nhập, góp phần tích cực giảm tỉ lệ hộ nghèo năm 2023 ở huyện Kon Rẫy xuống còn 10,51%. Hiện nay, huyện Kon Rẫy có 4/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Tân Lập là xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum, cho biết: Từ khi có Chỉ thị 40, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp quan tâm dành nguồn lực để thực hiện TDCS, hỗ trợ về cơ sở vật chất và cân đối nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 30/4/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh là 225,8 tỷ đồng, tăng 217,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Nguồn vốn này đã giúp cho 10.563 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; giúp 2.749 lao động có việc làm mới ổn định, 92 hộ gia đình khó khăn đột xuất vay vốn theo Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị 40-CT/TW bám sâu vào cuộc sống ở Kon Tum- Ảnh 3.

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kon Rẫy kiểm tra nguồn vốn đầu tư trồng cao su

Ông Đinh Văn Trung, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ia H'Drai dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn TDCS. Ông cho biết: Điểm nổi bật sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 ở huyện Ia H'Drai là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng tích cực, trở thành "trợ lực" quan trọng, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên vùng quê biên giới.

Còn ông Trương Quang Tri, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tu Mơ Rông cho hay: Tổng dư nợ của huyện đến cuối năm 2023 đạt 408,643 tỷ đồng, tăng 85,751 tỷ đồng so với năm 2022. Năm 2023, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 150 tỷ đồng, với gần 3.000 lượt khách hàng vay. Trong đó, cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 64,8 tỷ đồng. Các nguồn vốn TDCS được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, ổn định xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vùng sâu Tu Mơ Rông.

Chỉ thị 40-CT/TW bám sâu vào cuộc sống ở Kon Tum- Ảnh 4.

Ngân hàng CSXH tỉnh Kon Tum khen thưởng tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện TDCS

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Chung chia sẻ: Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với thủ tục đơn giản. Thông qua nguồn vốn ưu đãi này đã giúp cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh bám đất, bám làng, thay đổi nhận thức từ sản xuất tự cấp, tự túc để phát triển các sản phẩm hàng hóa, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình giảm nghèo, tỉ lệ giảm nghèo tỉnh Kon Tum đạt kết quả tích cực. Tỉ lệ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2021-2023 giảm 3-4%/năm. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10.220 hộ/149.471 hộ, chiếm tỉ lệ 6,84%. Đặc biệt, tỉ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ia H'Drai đều đạt và vượt cao so với kế hoạch.

Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, vốn TDCS đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tỉnh Kon Tum có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách giàu -nghèo; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, tích cực góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Bắc Tây Nguyên.

Nguyễn Văn Chiến