Theo đó, nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thành phố phối hợp triển khai thực hiện tốt các công việc sau đây:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) năm 2011 đạt kết quả, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả thiệt hại do thiên tai lụt, bão gây ra); có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện của ngành, địaphương để chủ động và kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.
2. Chủ tịch UBND quận, huyện:
a) Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) các ngành, các địa phương theo Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các Bộ, ngành và địa phương.
b) Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của quận, huyện.
c) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cho cộng đồng dân cư để người dân nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng, chống ứng phó kịp thời và có hiệu quả.
d) Chỉ đạo thu quỹ phòng, chống lụt, bão năm 2011 đạt chỉ tiêu kế hoạch của UBND thành phố giao, quản lý, sử dụng quỹ phòng, chống lụt, bão ở địa phương theo quy định hiện hành.
e) Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn và giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, trường học, trạm xá để đối phó với lốc xoáy và lụt, bão. Đối với các hộ dân ở các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng lụt, bão và sạt lở bờ sông phải kiên quyết chỉ đạo và tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn, đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người già yếu.
g) Tăng cường công tác kiểm tra nạo vét kênh, mương nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ và cũng cố đê bao bảo vệ sản xuất đời sống nhân dân; đồng thời, theo dõi cập nhật tình hình thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ chính xác về Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN cấp trên.
3. Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Cần Thơ có trách nhiệm thực hiện thông báo tổng hợp dự báo tình hình khí tượng, thủy văn đảm bảo chính xác, kịp thời và phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, các ngành thông báo tình hình thiên tai, bão, lụt để các ngành, các địa phương và nhân dân biết để chủ động ứng phó.
4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trìchỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng các phương án đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý thông tin của các cơ quan Đảng, chính quyền và Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp trong mọi tình huống, nhất là trong thời điểm thiên tai, bão lụt xảy ra.
Phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống lụt, bão, về biến đổi khí hậu và công tác tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Cần Thơ thông báo kịp thời đưa tin về lụt, bão, thiên tai, công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố để các Sở, ngành thành phố, đơn vị, địa phương và nhân dân biết chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an thành phố xây dựng kế hoạch PCLB-TKCN; luyện tập phương án cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị và huy động lực lượng phương tiện để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai, tai nạn và di dời dân khỏi những nơi nguy hiễm.
Triển khai các lực lượng và phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, đoàn thể cùng nhân dân bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân. Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi xảy ra thiên tai, tai nạn, thảm họa để trộm cắp, cướp giật; kiên quyết không cho phương tiện lưu thông trên những tuyến đường không đảm bảo an toàn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương, hội phụ huynh học sinh có kế hoạch, phương án trong việc bảo vệ học sinh và cơ sở vật chất của ngành khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra. Trường hợp đặc biệt khi có nguy cơ bão trực tiếp đổ bộ vào địa bàn, cần nghiên cứu và đề xuất với UBND thành phố xem xét quyết định cho các trường tạm nghĩ học trong thời điểm thích hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Biên soạn tài liệu và đưa nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai lồng ghép để giảng dạy ở một số trường tiểu học và trung học cơ sở .
7. Sở Giao thông vận tải:
a) Phối hợp với Công an thành phố huy động lực lượng kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn tại các bến phà, đò ngang, cầu yếu. Tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả chủ trương mọi người khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy đều tự giác mặc áo phao.
b) Phối hợp với các cơ quan trong ngành giao thông trên địa bàn bố trí lực lượng phương tiện, vật tư tham gia ứng cứu xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng của cầu, đường, bến cảng do ngập lụt, cây xanh, cột điện ngã, đỗ do gió bão để đảm bảo các tuyến giao thông được thông suốt trong mọi tình huống.
c) Phối hợp với UBND quận, huyện, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy neo đậu trái phép làm hư hỏng công trình phòng, chống lụt, bão; xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông, kênh, rạch gây sạt lở, bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy.
8. Sở Xây dựng:
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống cây xanh bị ngã, đổ, hệ thống chiếu sáng công cộng bị sự cố; tình huống ngập, nghẹt cục bộ do mưa và triều cường.
Phổ biến hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, người dân thực hiện đúng tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng công trình, nhà ở, chung cư, panô, biển quảng cáo nhằm có khả năng chịu được bão, lốc xoáy, giông gió có cường độ cao.
9. Sở Công Thương:
Phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc địa phương kiểm tra các khu vực chợ, dân cư ven sông rạch, đề xuất thực hiện các giải pháp giảm tải phòng chống sạt lở hoặc sắp xếp di dời đảm bảo an toàn cho người dân.
Sở Công thương phối hợp với Điện lực Cần Thơ chỉ đạo công tác kiểm tra, bảo vệ hệ thống truyền tải,thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; đồng thời xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn điện; chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi thành phố bị ảnh hưởng của thiên tai, tai nạn, thảm họa.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND thành phố quyết định các biện pháp cứu trợ, ổn định đời sống nhân dân các vùng bị thiên tai, không để người dân nào bị đói; đồng thời phối hợp với UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các ngành có liên quan chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, đảm bảo tiền, hàng cứu trợ đến tay người dân không để tình trạng thất thoát hàng cứu trợ thiên tai.
11. Sở Y tế thành phố chuẩn bịđủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, thiết bị cần thiết; lực lượng Y Bác sỹ để đáp ứng nhu cầu cứu thương, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cứu tế cho nhân dân, vệ sinh phòng dịch; thường xuyên kiểm tra, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh phát sinh.
12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND quận, huyện chỉ đạo thực hiện:
a) Có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ thích hợp đối với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ để né tránh thiên tai.
b) Tiến hành gia cố các tuyến bờ bao ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản và hệ thống bờ bao các cồn trên sông Hậu thuộc các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng; cải tạo, nạo vét kênh, tháo dỡ chà nò, vật cản trên kênh, rạch để dòng chảy được thông thoáng, tiêu thoát lũ được nhanh.
c) Có kế hoạch dự trữ cơ số thuốc dự phòng và bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và cây trồng để kịp dập tắt các ổ dịch bệnh phát sinh.
Nhằm thực hiện có kết quả công tác PCLB-TKCN năm 2011, yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và quận, huyện căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và đặc điểm của từng ngành, từng địa phương tiến hành xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch PCLB-TKCN năm 2011 của ngành, địa phương cho phù hợp. Tổng hợp báo cáo thường xuyên định kỳ và đột xuất về tình hình thiên tai thiệt hại trên địa bàn về Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo./.