Ngày mai (5/2), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Trước đó, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc để phổ biến, quán triệt Nghị quyết 26-NQ/TW diễn ra ngày 16/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là "mặt tiền" của quốc gia, "cửa ngõ" ra biển cả, cũng như là "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây. Tuy nhiên, vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phân tích nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu của vùng thấp hơn mức độ trung bình cả nước.
Thứ nhất, tư duy về liên kết vùng tại Bắc Trung Bbộ và duyên hải miền Trung còn chậm đổi mới, hoạt động điều phối vùng thiếu hiệu quả nên chưa phát huy được tiềm năng. Sau Hội nghị ngày mai, Hội đồng Điều phối vùng sẽ được thành lập.
Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho vùng chưa lớn, đặc biệt là đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu kinh tế ven biển chưa tốt, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Trong đó, chưa có chủ trương, giải pháp và chính sách toàn diện cho liên kết các khu kinh tế ven biển.
"Cần khắc phục những hạn chế, bất cập, đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, đồng thời huy động nguồn lực hiệu quả hơn sẽ tạo "dư địa", cơ hội để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững xứng đáng với vai trò vị trí chiến lược của Vùng", ông Đông bày tỏ quan điểm.
8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Theo đó, xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; (4) Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; (5) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (6) Phát triển toàn diện văn hoá-xã hội vùng; (7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (8) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chương trình cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện gắn với lộ trình thời gian.
Với việc đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, Chương trình sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Đột phá từ kinh tế biển
Trong 8 nhóm giải pháp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nhóm thứ 3 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển là "then chốt" nhất trong việc tạo ra đột phá cho vùng.
Vai trò của kinh tế biển thể hiện rõ nét và xuyên suốt thông qua các khu công nghiệp, chế xuất trong vùng, hệ thống đánh bắt hải sản, hệ thống resort, khu nghỉ dưỡng ven biển và cả trong hệ thống đô thị ven biển.
Ông Trần Duy Đông cho biết giải pháp nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để phát triển du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trong thuỷ hải sản và năng lượng tái tạo. Một định hướng lớn trong vùng là mở rộng trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang hoàn tất thủ tục xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2. Vùng cũng sẽ hình thành một số trung tâm năng lượng lớn với tiềm năng về điện gió và điện gió ngoài khơi.
Cùng với đó, chú trọng xây dựng quy hoạch để phát triển không gian kinh tế ven biển theo tuyến hành lang kinh tế Đông–Tây; nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp, quy chế hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển.
"Đối với lo ngại về phát sinh sự cạnh tranh giữa các khu kinh tế ven biển trong vùng, giải pháp đưa ra là phân định rõ trọng tâm, trọng điểm cho các khu kinh tế ven biển để chuyên nghiệp hoá, tăng cường tính bổ trợ và liên kết vùng", Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.
Đồng thời, việc phân khu chức năng của các khu kinh tế ven biển của vùng sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp trên cơ sở bảo đảm điều kiện về kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững, hình thành các liên kết ngành, tập trung vào sản phẩm giá trị cao và tăng cường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, do sự chệnh lệch về điều kiện và nguồn nhân lực giữa các địa phương trong vùng khá lớn nên việc phát triển kinh tế biển tại đây cũng sẽ ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, logistics và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến, tại Hội nghị diễn ra vào ngày mai, sẽ tiến hành lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, sẽ ký biên bản cam kết của 45 dự án với tổng vốn khoảng 1,7 tỷ USD với 8 đối tác: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan phát triển Pháp, Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc và Ngân hàng thế giới, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, nông thôn nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trao chứng nhận đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn 5,6 tỷ USD cùng với việc trao Thỏa thuận biên bản ghi nhớ cho 5 dự án với số vốn khoảng gần 700 triệu USD./.
Minh Ngọc