In bài viết

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ tài chính cho người nghèo ở Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Ngày 5/9, NHCSXH phối hợp với Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp, nông thôn châu Á-TBD (APRACA) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam” nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp, nông thôn cho người nghèo ở Việt Nam.

05/09/2018 15:46

Trong nỗ lực giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, NHNN Việt Nam, ngành ngân hàng nói chung, NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận tiện để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoạt động của NHCSXH đã thu được thành tựu nổi bật, tập trung được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách (TDCS).

Đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn TDCSXH đạt 189.105 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 181.768 tỷ đồng với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 94% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã xây dựng và tổ chức thành công phương thức quản lý vốn TDCS đặc thù của Việt Nam thông qua việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội giúp đưa vốn TDCS đến tận tay và đúng đối tượng thụ hưởng với chi phí thấp nhất và đạt chất lượng tín dụng cao nhất với tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%.

Thông qua các tổ chức chính trị-xã hội với vai trò là người giám sát, vừa làm ủy thác một số nội dung công việc trong nghiệp vụ tín dụng.

NHCSXH đang là ngân hàng có độ bao phủ rộng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, bảo đảm cho khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 630 phòng giao dịch cấp huyện, 10.962 điểm giao dịch được mở tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn trong cả nước và 183.332 Tổ TKVV tại các thôn, ấp, bản...

Điểm giao dịch xã góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người nghèo, tiết giảm chi phí giao dịch và thời gian đi lại của khách hàng...

Việc triển khai thành công các chương trình TDCS của Chính phủ thông qua NHCSXH tại khu vực nông nghiệp, nông thôn và người nghèo đã được tổng kết, ghi nhận ở Việt Nam trong nhiều năm qua là những kinh nghiệm quý báu sẽ được chia sẻ với bạn bè quốc tế tại hội thảo này./.

BT