In bài viết

Chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ về xử lý ô nhiễm dioxin

(Chinhphu.vn) – Ngày 2/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ quốc tế về đánh giá và xử lý ô nhiễm dioxin/các chất hữu cơ khó phân hủy POPS ở Việt Nam

03/12/2013 10:13
Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hội thảo do Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức.

Hội thảo đã thảo luận về 3 vấn đề cụ thể: Giới thiệu về các phương pháp đánh giá dioxin và các chất ô nhiễm khác; Cập nhật tình hình phát triển công nghệ xử lý đối với các chất POPs/dioxin; Cung cấp sự so sánh trên phương diện quốc tế về khung pháp lý đối với công tác kiểm soát và quan trắc dioxin.

Các chất hữu cơ khó phân hủy (POPS) là một nhóm các hợp chất hóa học được quan tâm đặc biệt vì độc tính và tính bền vững trong môi trường. Dioxin là một trong các chất POPS được kiểm soát toàn cầu theo công ước Stockholm.

TS. Nguyễn Văn Minh, Hội đồng tư vấn về khoa học công nghệ (Ban chỉ đạo 33), cho biết: Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam gần 80 triệu lít các chất diệt cỏ, trong đó chủ yếu là chất da cam chứa dioxin.

Tại một số căn cứ quân sự cũ như Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát hiện còn những khu vực ô nhiễm nặng chất da cam/dioxin. Cũng theo TS. Minh, không có khu vực nào trên thế giới nhiễm dioxin nặng như các điểm nóng ở Việt Nam.

Về áp dụng các phương pháp xử lý các chất POPS, trên thực tế các nước chủ yếu áp dụng hai phương pháp là nhiệt và chôn lấp.

PGS.TS Lê Kế Sơn, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 33 và Giám đốc dự án quốc gia, cho biết: Dự án “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam” đã có những đóng góp rất quan trọng xét về lý thuyết và thực tiễn. Dự án đã xử lý khu ô nhiễm dioxin trong sân bay Phù Cát, góp phần quan trọng ngăn chặn lan tỏa dioxin trong sân bay Biên Hòa, xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý dioxin tại Biên Hòa.

Dự án đã tổ chức nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng các công nghệ xử lý dioxin trong điều kiện Việt Nam. Những hoạt động của dự án, bao gồm cả các hoạt động đào tạo và truyền thông, đã góp phần rất quan trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và phòng chống dioxin và các chất độc hại tại Việt Nam.

Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho rằng: Việt Nam cần một công nghệ có hiệu quả và phù hợp về mặt kinh tế để xử lý dioxin và trả lại môi trường trong lành và an toàn cho người dân. Do những trì hoãn trong công tác xử lý, dioxin tiếp tục là nguồn gây ô nhiễm lớn hơn đối với môi trường và đặt ra rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe đối với con người.

Ngoài ra, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đã nghiên cứu, đánh giá, tẩy độc dioxin ở Việt Nam trong hơn 40 năm qua đã đem lại nguồn thông tin và kinh nghiệm phong phú được chia sẻ trong hội thảo này.

Lưu Hương