Cuối tuần qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương để trao đổi, thảo luận về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.
Tại cuộc gặp gỡ giữa hai tỉnh, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Sổ tay đảng viên điện tử, phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp, trường học; việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; kết nối trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển các khu, cụm công nghiệp; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột, trong đó quan tâm thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Phát triển Đảng trong Doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển tổ chức Đảng, phát triển đảng viên mới trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh; với những nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với những giải pháp toàn diện, đồng bộ, từ năm 2015 đến nay, đặc biệt sau khi thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đã thành lập mới 48 tổ chức đảng với 320 đảng viên, trong đó có 21 chi bộ cơ sở, 27 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 166 tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp tư nhân với 3.390 đảng viên (trong đó có 20 đảng bộ cơ sở, 51 chi bộ cơ sở và 95 chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã, phường, thị trấn), chiếm 3,1% tổng số đảng viên trong toàn tỉnh và chiếm khoảng 2,7% so với tổng số lao động trong doanh nghiệp tư nhân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng bộ cấp huyện và cơ sở, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Trung ương; luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới sinh hoạt chi bộ, trong đó chú trọng sinh hoạt chuyên đề theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương "Về nội dung sinh hoạt chi bộ"; Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư "Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ"; Hướng dẫn số 12 HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương "Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ". Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, nỗ lực cao để phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, cũng như tạo nguồn phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 07 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp trong đó một số khu công nghiệp quy mô lớn như: Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên...Từ nền tảng này, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện đại. Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nên trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện công tác này. Cụ thể, các cấp trong tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập và hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tuy nhiên với sự lãnh đạo, chỉ đạo của quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành năng động cùng với việc quan tâm đồng hành của, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với cộng đồng doanh nghiệp, do đó số doanh nghiệp thành lập mới hằng năm đều tăng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp hơn 2.700 đảng viên ở 516 tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp. Tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp cũng có bước phát triển, đến nay số tổ chức đảng trong doanh nghiệp được thành lập tăng 1,6 lần so năm 2015. Đảng viên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là có sự đóng góp thiết thực vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các chủ doanh nghiệp là đảng viên đã phát huy tốt vai trò, tính tiền phong gương mẫu, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, người lao động; phối hợp với hội đồng quản trị công ty, chủ doanh nghiệp giải quyết kịp thời các vướng mắc, định hướng tuyên truyền, ổn định tình hình không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò tích cực góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đoàn thể với lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, tổ chức cơ sở đảng sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, giàu mạnh, và quan điểm của tỉnh Thái Nguyên là việc phát triển tổ chức cơ sở đảng không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, chỉ kết nạp những quần chúng xứng đáng, đủ điều kiện. Thời gian qua, Thái Nguyên luôn đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp bằng những giải pháp, việc làm thích hợp, hiệu quả. Cụ thể, các cấp ủy Đảng cần xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng trong khối doanh nghiệp; sâu sát thực tiễn, tăng cường kết nạp Đảng đối với quần chúng ưu tú, có lý tưởng, lẽ sống tốt; hướng dẫn thành lập tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp đã thành lập tổ chức cơ sở đảng, mới thành lập tổ chức cơ sở đảng cần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng sát thực tiễn, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự phát triển, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chú trọng phát triển Đảng viên trong trường học
Theo báo cáo của các địa phương, tại hai tỉnh Hải Dương và Thái Nguyên cũng đã triển khai nhiều sáng kiến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với việc phát triển đảng viên trong khối doanh nghiệp, công tác này cũng đã được chú trọng trong các trường học.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xem con người là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành công của cách mạng. Vì thế, Giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trực tiếp tham gia vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh về mọi mặt; góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ngay sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động với quan điểm xuyên suốt "coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu"; "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển"; đã nghiêm túc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Tỉnh đã ban hành, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển phát triển giáo dục, trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả rất tích cực. Công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm chỉ đạo, chú trọng lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác phát triển đảng và bồi dưỡng đảng viên đến đối tượng là giáo viên, sinh viên và học sinh THPT. Đội ngũ đảng viên trong các nhà trường ngày càng phát triển và tăng về chất lượng. Công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm, chú trọng, triển khai với nhiều hình thức, hoạt động phong phú. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Mô hình phòng học thông minh được triển khai thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong phương pháp, hình thức dạy học.
Tại Thái Nguyên, việc phát triển Đảng viên mới trong học sinh, sinh viên cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cũng như các trường học. Thực hiện Chỉ thị số 34 - CT/TW của Bộ Chính trị Khóa VIII, đến nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có tổ chức đảng với hơn 679 chi, đảng bộ, tỷ lệ đảng viên trong số giáo viên đạt hơn 60%. Trong 3 năm gần đây, toàn Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã kết nạp được hơn 6.600 đảng viên mới, trong đó có 680 đảng viên là học sinh, sinh viên, chiếm hơn 10% tổng số đảng viên mới kết nạp.
Bên cạnh đó, với quan điểm để chuyển đổi thành công, những người Đảng viên phải là những người đi đầu. Thái Nguyên hiện là một trong số những địa phương đã tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong công tác tổ chức xây dựng Đảng và quản lý Đảng viên thông qua ứng dụng "Sổ tay Đảng viên điện tử".
"Sổ tay đảng viên điện tử" Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên với 9 chức năng, hơn 120 ứng dụng được chỉ đạo, tổ chức một cách chặt chẽ, từ chủ trương của Tỉnh uỷ, thành lập Ban Biên tập, Tổ Thư ký giúp việc quản lý, vận hành, xây dựng giao diện, thiết kế hệ thống, nội dung, chuyên đề, kho dữ liệu, ngân hàng câu hỏi-trả lời về công tác đảng, đóng góp ý kiến của đảng viên... đến thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng được triển khai bài bản, được sự đón nhận hào hứng của đảng viên".
Sổ tay điện tử này góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, vai trò, năng lực lãnh đạo đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống của tổ chức đảng ở cơ sở của chi bộ.
Trong cuộc gặp trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng cuối tuần qua giữa hai địa phương Hải Dương và Thái Nguyên, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chúc mừng những kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội trong nửa nhiệm kỳ qua của Thái Nguyên mong muốn 2 tỉnh sẽ tiếp tục có mối quan hệ gắn kết hơn nữa để cùng phát triển. Những kinh nghiệm của Thái Nguyên được chia sẻ tại Hội nghị sẽ là thông tin quan trọng, hữu ích để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nghiên cứu, vận dụng vào thực tế.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, Hội nghị trao đổi giữa hai tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để lãnh đạo chủ chốt mỗi bên trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, đồng thời gợi mở thêm những tiềm năng để tiếp tục tăng cường hợp tác và gắn chặt tình đoàn kết giữa hai địa phương. Từ đó đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, bảo đảm việc hợp tác giữa hai tỉnh sẽ toàn diện hơn, bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy Thái Nguyên - Hải Dương cùng phát triển.
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,58%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 59.872 tỷ đồng (tăng bình quân 3,4%/năm). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó quan tâm đầu tư phát triển giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch và bố trí kế hoạch vốn; huy động xã hội hóa để đầu tư mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường quan trọng; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong các lĩnh vực bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, rõ nét, được doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, một số ứng dụng hoạt động hiệu quả. Năm 2020, 2021, xếp hạng chỉ số về chuyển đổi số của tỉnh đứng thứ 14 trên 63 tỉnh, thành phố...
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức khá, đều đạt cao hơn bình quân chung cả nước; giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt trên 31 tỷ USD; giữ vững vị trí cao thứ 4 cả nước; thu ngân sách năm 2022 đạt trên 19.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay trên địa bàn tỉnh có 191 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,5 tỷ USD. Năm 2022, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); năm 2021, năm 2022 đều đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 4 bậc so với năm 2020). Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh...
Minh Anh