Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Phước như sau:
Thu nhập từ thừa kế cổ phiếu là thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại khoản 9, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) số 04/2007/QH12 và khoản 9, Điều 3, Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 của Chính phủ thì thu nhập từ thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng thuộc diện thu nhập chịu thuế TNCN.
Tại điểm 9.1, Mục II, Phần A, Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nhập chịu thuế TNCN từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về tài sản thừa kế đối với tài sản là chứng khoán, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán.
Căn cứ theo hướng dẫn tại điểm 7, Mục II, Phần B, Thông tư nêu trên thì căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế là thu nhập tính thuế và thuế suất.
Thu nhập tính thuế từ thừa kế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận.
Thu nhập để tính thuế của chứng khoán là giá trị chứng khoán tại thời điểm chuyển quyền sở hữu, cụ thể đối với chứng khoán đã niêm yết thì giá trị của chứng khoán được căn cứ vào giá tham chiếu trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm Giao dịch chứng khoán tại ngày nhận thừa kế hoặc ngày gần nhất trước đó.
Đối với chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng đã thực hiện đăng ký giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán căn cứ vào giá tham chiếu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán ở thời điểm nhận thừa kế hoặc ngày gần nhất trước đó.
Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp trên căn cứ giá trị ghi trên sổ sách kế toán của công ty phát hành loại chứng khoán đó tại ngày nhận thừa kế là chứng khoán.
Thuế suất thuế TNCN đối với thừa kế được áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế là thời điểm đối tượng nộp thuế nhận thừa kế làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình số 22/2000/QH10 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
Tại điểm b, Mục 3 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng. Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.
Vấn đề ông Nguyễn Bình Phước hỏi, theo quy định của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người nhận thừa kế cổ phiếu do người chết để lại phải chịu thuế TNCN. Thu nhập tính thuế từ thừa kế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng, với thuế suất là 10%.
Trường hợp cổ phiếu đứng tên chồng, khi chồng chết mà không có tranh chấp giữa các thừa kế yêu cầu xác định cổ phiếu đó là tài sản riêng của chồng, thì số cổ phiếu đứng tên chồng là tài sản chung của vợ chồng.
Nếu có tranh chấp giữa các thừa kế yêu cầu xác định cổ phiếu là tài sản riêng của chồng, thì bên yêu cầu phải có chứng cứ chứng minh số cổ phiếu đó là tài sản riêng của chồng. Trong trường hợp không chứng minh được thì số cổ phiếu đó là tài sản chung của vợ chồng.
Nếu số cổ phiếu do chồng đứng tên là tài sản chung của vợ chồng, về nguyên tắc khi người chồng chết, người vợ được sở hữu 50% số cổ phiếu thuộc phần tài sản của vợ nằm trong số cổ phiếu chung của vợ chồng; phần tài sản này của người vợ không phải là di sản thừa kế của người chồng, nên khi đứng tên phần tài sản đó, người vợ không phải chịu thuế TNCN. Đối với 50% số cổ phiếu còn lại là di sản thừa kế của người chồng, thì người nhận thừa kế cổ phiếu theo di chúc, hoặc theo pháp luật là người có thu nhập từ thừa kế, phải chịu thuế TNCN theo quy định nêu trên.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật