In bài viết

Chiến dịch Con rồng Mekong: Sáng kiến hiệu quả của Hải quan Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Đến nay, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã tham mưu lãnh đạo các cấp và điều phối phối hợp triển khai thành công 3 giai đoạn chính của Chiến dịch “Con rồng Mekong” và một giai đoạn mở rộng, đánh dấu sự chủ động của Hải quan Việt Nam trong việc tham gia sâu, rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan.

13/11/2021 08:02
Hải quan Việt Nam tham gia Hội nghị trực tuyến Chiến dịch Con rồng Mekong III.
Góp phần bắt giữ thành công hơn 1.000 vụ ma túy

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu - đơn vị khởi phát ý tưởng triển khai chiến dịch, cho biết, trước khi có sáng kiến này, ở tầm quốc gia, các nước tiểu vùng sông Mekong đã có thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm. Do đó, một chương trình hợp tác cụ thể trong lĩnh vực hải quan sẽ giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Mặt khác, việc thúc đẩy và triển khai sáng kiến xuất phát từ thực trạng tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tiểu vùng sông Mekong đã và tiếp tục diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây.

Năm 2018, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, tham mưu báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan và làm việc với các đơn vị liên quan của Bộ Công an Việt Nam, phối hợp với Cục Chống buôn lậu (Hải quan Trung Quốc), Văn phòng tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP), Cơ quan phòng chống ma túy Liên Hợp Quốc (UNODC) xây dựng sáng kiến “Hành động kiểm soát chung về đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng” với tên gọi: “Con rồng Mekong”.

Sáng kiến đã nhận được sự đồng thuận triển khai của 6 cơ quan hải quan trong tiểu vùng sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ Văn phòng RILO AP và UNODC.

Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn I được vận hành từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2019. Qua chiến dịch, lực lượng Hải quan các nước đã triệt phá 164 vụ, trong đó gồm 98 vụ nhập khẩu, 18 vụ xuất khẩu và 6 vụ trung chuyển, thu giữ hơn 2.230 kg ma túy.

Sau giai đoạn I, Văn phòng RILO AP đã phát động một chiến dịch Con rồng Mekong AP mở rộng trong 6 tuần cho toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Kết quả báo cáo từ 22 thành viên đã ghi nhận 142 vụ việc bắt giữ với hơn 26.963 kg ma túy các loại.

Trên cơ sở thành công của giai đoạn I, UNODC thống nhất với Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước điều phối tiếp tục triển khai giai đoạn II, thu hút sự tham gia của Hải quan 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Australia, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Không chỉ mở rộng thành viên, so với giai đoạn I, phạm vi của Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn II được mở rộng về lĩnh vực. Theo đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan hải quan thành viên trong đấu tranh phòng, chống ma túy, vận chuyển động, thực vật hoang dã bất hợp pháp trên tất cả các tuyến đường (đường không, đường biển, biên giới đất liền) và tội phạm xuyên quốc gia khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.

Trong 4 tháng triển khai giai đoạn II (từ ngày 8/5-18/9/2020), chiến dịch tiếp tục thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các cơ quan hải quan thành viên đã bắt giữ tổng số 284 vụ, tịch thu 1.983 kg ma túy bất hợp pháp, 108 tấn tiền chất, 1.892 kg và 1.567 các loài động thực vật đang bị đe dọa, 82 động vật hoang dã còn sống, 145 tấn và 999 m3 gỗ quý hiếm. Số vụ bắt giữ ma túy chiếm 88% tổng số vụ.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn II, Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu Wang He (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đưa ra nhận định: “Chiến dịch con rồng Mekong là một ví dụ thành công về hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn thành cho đến khi các tổ chức tội phạm chưa bị loại bỏ và đưa ra ngoài ánh sáng”.

Sau thành công của Chiến dịch Con rồng Mekong I và II, Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn III được hoạt động chính thức từ ngày 15/4/2021 đến 15/9/2021. Tính đến tháng 10/2021, chiến dịch giai đoạn III đã ghi nhận thành công vượt bậc với 613 vụ bắt giữ ma túy và động thực vật hoang dã trái phép với sự tham gia hành động của 20 cơ quan Hải quan thành viên.

Theo Cục điều tra chống buôn lậu, đến nay, Chiến dịch đã triển khai qua 3 giai đoạn chính và 01 giai đoạn mở rộng với sự tham gia của 20 cơ quan Hải quan và thực thi pháp luật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng số 1.203 vụ việc vi phạm vận chuyển trái phép các chất ma túy và động thực vật hoang dã (trong đó có 1.069 vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy) bị bắt giữ đã được thành viên báo cáo và nhập số liệu vào cơ sở hệ thống Mạng luới kiểm soát hải quan toàn cầu (CENcomm).

Đồng thời, qua cơ chế của Chiến dịch có hàng chục thông tin nghiệp vụ được cảnh báo, trao đổi giữa các nước, góp phần thực hiện bắt giữ thành công nhiều vụ việc buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy lớn (trong đó có vụ việc 500 kg ketamine bắt giữ tại Việt Nam).

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu cho biết, Chiến dịch “Con rồng Mekong” nhằm mục đích trao đổi thông tin, ban đầu đơn giản là thông báo về thủ đoạn, cập nhật các số liệu bắt giữ. Tuy nhiên, gần đây Chiến dịch này trở thành nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống ma túy trong khu vực. Hải quan các nước thành viên khi bắt giữ được các vụ ma túy phải đưa lên hệ thống và phân tích rõ thủ đoạn mà đối tượng sử dụng, để các nước thành viên kịp thời nắm bắt, cập nhật qua đó tăng cường kỹ năng nhận biết, nghi vấn và xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và xử lý.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia không giảm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm pháp thậm chí ngày càng hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn. Do đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm, thực thi pháp luật hải quan và kiểm soát phòng, chống ma túy của các thành viên cần tiếp tục phát huy thành công của Chiến dịch “Con rồng Mekong”. Cuối tháng 10 vừa qua, Hải quan Việt Nam cùng các thành viên điều phối đã thảo luận về hướng triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn IV và tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.

“Trong công tác đấu tranh, bắt giữ ma túy, chia sẻ thông tin là quan trọng nhất. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh bắt giữ, trong phát hiện các thủ đoạn của tội phạm ma túy. Dự án này có công lao rất lớn của Hải quan Việt Nam với vai trò là khởi xướng. Hải quan Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác lâu dài của các cơ quan Hải quan, các tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn đấu tranh hiệu quả chống tội phạm ma túy”, ông Nguyễn Văn Lịch nói.

Chiến dịch "Con rồng Mekong" góp phần giúp lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ hơn 500 kg ma túy ketamine tại TPHCM ngày 11/5/2019.

Hợp tác quốc tế là “then chốt” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy

Xác định công tác hợp tác quốc tế là công tác then chốt, quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan và các đơn vị Hải quan toàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Trong thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 7/2021, đơn vị tham mưu nghiệp vụ về phòng, chống ma túy của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận và chuyển 17 cảnh báo cho các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục về xu hướng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất.

Nhiều thông tin nghiệp vụ được chia sẻ, phân tích đánh giá, phục vụ xác định trọng điểm, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro và các biện pháp nghiêp vụ khác đã tạo cơ sở quan trọng triển khai thành công các kế hoạch đấu tranh chuyên đề, vụ án, chuyên án về ma túy lớn, điển hình quy mô xuyên quốc gia, có tổ chức, tinh vi, phức tạp...

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng là đầu mối tiếp nhận hỗ trợ của Hải quan các nước về kỹ thuật và đào tạo; định hướng, chỉ đạo phát triển quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực hoạt động phòng, chống ma túy.

Đồng thời tăng cường, tập trung vào quan hệ hợp tác song phương, đa phương với Hải quan Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Campuchia trong công tác hỗ trợ thông tin, thực hiện các chuyên đề phối hợp kiểm soát, chia sẻ thông tin phục vụ cho hoạt động kiểm soát hải quan, tập trung vào các lĩnh vực: Nhập khẩu chất thải rắn; ma túy, tiền chất; động vật hoang dã; hàng hóa quá cảnh.

Tăng cường hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các chương trình kiểm soát chung về ma túy và tiền chất dưới sự điều phối của Ủy ban kiểm soát WCO, Văn phòng RILO A/P, Nhóm làm việc về Kiểm soát và Tuân thủ Hải quan ASEAN (CECWG), Văn phòng liên lạc qua biên giới BLO nhằm tăng cường hiệu quả chia sẻ thông tin nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, tiếp nhận và sử dụng nguồn thông tin từ các cơ quan Hải quan nước ngoài và tổ chức thực thi pháp luật nước ngoài phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ kiểm soát ma túy. Tham gia các chương trình, kế hoạch, chiến dịch do RILO A/P điều phối; chia sẻ thông tin với Nhóm làm việc Kiểm soát và tuân thủ Hải quan ASEAN về các vụ việc ma túy điển hình do Hải quan Việt Nam thực hiện; tích cực tham gia chương trình Kiểm soát container (CCP)…

Hoàng Giang