In bài viết

Chiến lược giữ chân nhà đầu tư nước ngoài của Mỹ

(Chinhphu.vn) - Một trong các chiến lược thu hút vốn đầu tư của Mỹ là điều chỉnh lại các quy định của liên bang và các bang nhằm giảm bớt tệ quan liêu gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

06/11/2013 17:11

Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên chính thức công bố kế hoạch mới về thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Mỹ, nhất là các doanh nghiệp có khả năng mở rộng thị trường lao động, tạo thêm việc làm mới cho nước Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh về đầu tư ưu tiên SelectUSA 2013, tổ chức ở Washington hôm 31/10, với sự tham dự của khoảng 1.200 đại diện doanh nghiệp đến từ gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với các Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn tại Mỹ, Tổng thống Obama cho biết Chính phủ Liên bang đang nỗ lực thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ, và yêu cầu các đại sứ Mỹ coi việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Mỹ là một phần chính thức trong các hoạt động ngoại giao.

Chương trình khuyến khích đầu tư có tên là SelectUSA của Bộ Thương mại Mỹ sẽ tập trung vào 32 thị trường chính chiếm tới hơn 90% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ.

Một trong các chiến lược thu hút vốn đầu tư là điều chỉnh lại các quy định của liên bang và các bang nhằm giảm bớt tệ quan liêu gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch SelectUSA này đã được chính quyền Obama đưa ra cách đây hai năm, như một phần trong sáng kiến quy mô lớn nhằm thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế yếu và chậm cộng với sự bế tắc của nền chính trị, sự bất ổn định trong chính sách công và nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tài khóa đã khiến các công ty nước ngoài dần rút khỏi thị trường Mỹ.

Theo báo cáo của Nhà Trắng công bố tại hội nghị, Mỹ vẫn là quốc gia số một thế giới về đầu tư nước ngoài, thu hút hơn 166 tỷ USD năm 2012. Tuy nhiên con số này thấp hơn mức 230 tỷ USD năm 2011 và 206 tỷ USD năm 2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây thấp hơn so với thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 với số vốn FDI đổ vào Mỹ là 310 tỷ USD.

Dòng vốn FDI vào Mỹ dự  kiến trong năm nay có thể tiếp tục giảm do Chính phủ Liên bang phải đóng cửa hơn 2 tuần hồi tháng 10 vừa qua, làm gia tăng những mối lo ngại về  khả năng của Chính phủ Mỹ trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế, có thể dẫn tới những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu, cũng như làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp trong nước.

Để đảo ngược xu hướng FDI giảm sút này, Tổng thống Obama đã phác thảo một loạt các biện pháp ở tầm cỡ quốc gia nhằm lôi kéo các công ty nước ngoài đầu tư, tạo việc làm tại Mỹ.

Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở thành một nhiệm vụ ưu tiên của các sứ quán và các nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài. Lâu nay, các sứ mạng thu hút đầu tư nước ngoài vẫn thường dành cho các thống đốc bang và các thị trường thành phố lớn của Mỹ. Nhà Trắng cho biết trọng điểm đầu tiên sẽ là 32 thị trường khu vực chủ chốt vốn đã chiếm 90% đầu tư nước ngoài ở Mỹ.

Thứ hai, nếu như trước đây các quan chức chính phủ vẫn thường nhấn mạnh đến các công ty nước ngoài riêng lẻ, kế hoạch mới này đề nghị một sự phối hợp của các giới chức cấp cao gồm cả Tổng thống.

Thứ ba, các công ty muốn đầu tư vào Mỹ sẽ tiếp xúc trực tiếp với cơ quan liên bang nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và chi phí trung gian.

Cuối cùng, chính quyền sẽ giúp các bang, các thành phố và các vùng trên khắp nước Mỹ kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Cho đến nay, đầu tư nước ngoài đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ với mức đóng góp hàng trăm tỷ  USD/năm, mặc dù mức độ đầu tư đã giảm liên tục kể từ đợt suy thoái 2008-2009, góp phần khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi chậm chạp. Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Thương mại và Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, Mỹ liên tục đứng đầu thế giới về thu hút FDI kể từ năm 2006 đến nay, với dòng vốn tổng cộng lên tới 1.500 tỷ USD.

Năm 2012, FDI vào Mỹ ước tính đạt 166 tỷ USD và tài sản ròng của các chi nhánh nước ngoài đặt tại Mỹ tổng cộng là 3,9 tỷ USD. Đầu tư vào Mỹ chủ  yếu đến từ một nhóm các nước công nghiệp gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Hàn Quốc và các nước Tây Âu - vốn chiếm trới 80% FDI mới đổ vào Mỹ. Trong khi đó, mặc dù còn khiêm tốn nhưng dòng vốn  đầu tư của các nền kinh tế mới nổi vào Mỹ  như Trung Quốc và Brazil cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Nguyễn Chiến