Ảnh minh họa |
Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Phấn đấu đến năm 2015, 90% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động; 80% trạm y tế xã có bác sỹ hoạt động; trên 95% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư. Cụ thể, tỷ lệ giường bệnh năm 2015 là 23 giường bệnh/10.000 dân và năm 2020 là 26 giường bệnh/10.000 dân. Trong đó, năm 2015, số giường bệnh viện ngoài công lập là 1,5 giường bệnh/10.000 dân, năm 2020 là 2 giường bệnh/10.000 dân.
Đồng thời, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi từ 15,8/1.000 xuống còn 14/1.000 năm 2015 và năm 2020 tiếp tục giảm còn 11/1.000 trẻ em đẻ ra sống. Ngoài ra, sẽ chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh. Cụ thể, tỷ số giới tinh khi sinh năm 2015 sẽ dưới 113 trai/100 gái, đến năm 2020 là dưới 115 trai/100 gái.
Nâng tuổi thọ trung bình lên 75 tuổi
Thực tế, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên đáng kể. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi (nam đạt 70,2 tuổi, nữ đạt 75,6 tuổi), vượt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2010 là 72 tuổi.
Với kết quả này, Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập GDP trên đầu dân.
Tiếp tục những nỗ lực nhằm tăng tuổi thọ trung bình của người dân, Chiến lược đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân nước ta đến năm 2015 là 74 tuổi và 75 tuổi vào năm 2020.
Thanh Hoài