In bài viết

Chiến lược thu hút FDI mới của Thái Lan

(Chinhphu.vn) - Thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã xây dựng một chính sách ưu đãi để cho dòng vốn này phát huy được lợi thế.

15/09/2014 10:56

Chính phủ Thái Lan vừa thông qua một chiến lược mới cho giai đoạn 2015-2021 nhằm khôi phục vị thế của Thái Lan trong hoạt động thu hút FDI, đặc biệt thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái.

Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực tăng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hiện chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP (mức trung bình trên thế giới là 2%).

Theo chiến lược được thông qua đầu tháng 9/2014, Thái Lan sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa và giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan từ lâu đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ nguồn cung cấp năng lượng ổn định và chính sách kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thái Lan cũng có lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn so với các nước láng giềng như Myanmar, Lào và Campuchia, trong khi quy mô của nền kinh tế Thái Lan lớn gấp 5 lần so với ba nền kinh tế này cộng lại. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Thái Lan ở vị trí thứ 18 trong tổng số 189 nước xét về môi trường kinh doanh thuận lợi, trên cả các nước công nghiệp phát triển như Đức và Nhật Bản.

Thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã xây dựng một chính sách ưu đãi để cho dòng vốn này phát huy được lợi thế. Ngay từ giai đoạn 1959-1971, Thái Lan đã thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Quốc gia này đã có chủ trương giảm dần đầu tư từ Chính phủ, khuyến khích đầu tư tư nhân. Theo đó, năm 1959, Thái Lan đã thành lập Bộ Đầu tư và đến năm 1960 đã ban hành Luật Đầu tư.

Giai đoạn 1972-1996, Bộ Đầu tư Thái Lan đã ban hành chính sách thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ bên ngoài với những ưu đãi về đất, việc làm để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu. Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự biến chuyển theo hướng đầu tư chọn lọc với chính sách ưu tiên nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Thống kê cho thấy, FDI vào Thái Lan đầu tư nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp, sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng…

Trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996-1997, Thái Lan chỉ thu hút được nguồn vốn FDI tương đương với 11% GDP của nước này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, con số này đã tăng lên 48%. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan cũng tăng mạnh, từ mức tương đương 1% GDP năm 1995 lên 15% vào năm 2013.

Trong quá khứ, nước này đã khá hào phóng cho các dự án đầu tư lớn hay đầu tư vào vùng kinh tế khó khăn. Các ưu đãi này tỏ ra kém hiệu quả do nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư vào các vùng miền có giao thông thuận tiện, trình độ dân trí đủ để cung cấp lực lượng lao động có tay nghề chứ không phải chỉ đầu tư để hưởng ưu đãi thuế. Hiểu được điều này, Chính phủ Thái Lan có ý định giảm chính sách ưu đãi vùng miền trong thời gian tới, thay vào đó sẽ tập trung ưu đãi những dự án lớn, trọng điểm để tạo sức lan tỏa thu hút các nhà đầu tư khác. Chính phủ nước này cũng từng bước chuyển từ ưu đãi thuế đơn thuần sang ưu đãi trọn gói, bao gồm cả thuế, lao động, thủ tục cấp phép trong thời gian nhanh nhất, cung ứng lao động và cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư và quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đáng chú ý là họ còn có ý định ưu đãi cho các dự án đầu tư ra nước ngoài nhằm chủ động hội nhập nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nắm vị trí dẫn đầu trong các nền kinh tế thuộc Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC). Điều này thể hiện qua việc cung cấp ưu đãi đầu tư cho các công ty mẹ đóng tại Thái Lan (gọi là Regional Operating Headquarters hay ROH). Theo đó, nếu các ROH nắm giữ ít nhất 25% vốn tại các công ty con ở nước ngoài và tiến hành các dịch vụ hỗ trợ (như quản lý, nghiên cứu thị trường, mua sắm, marketing, chuyển giao công nghệ), có trên 50% doanh thu từ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% đối với lợi nhuận từ kinh doanh, tiền bản quyền, lãi và được miễn thuế đối với tiền cổ tức thu được từ nước ngoài. Ngoài ra, người nước ngoài làm việc cho ROH sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập đó phát sinh từ các hoạt động ngoài Thái Lan.

Nhờ có chính sách thuế đối với ROH, nhiều công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất đang cân nhắc dời trụ sở vùng từ Singapore sang Bangkok. Điều đó cũng sẽ làm tăng số công ty mẹ tại Thái Lan và về lâu dài, tiền sẽ quay về nước này để tái đầu tư.

Thời gian qua, tình hình chính trị trong nước đã ảnh hưởng lớn đến triển vọng thu hút FDI của Thái Lan. Chính quyền Thái Lan hiện nay nhận thức rất rõ về nguy cơ trì trệ kinh tế của nước này. Nhiều người cho rằng sự tồn tại của chính phủ phụ thuộc vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và các nhà lãnh đạo Thái Lan đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ sẽ mang lại sự ổn định chính trị và tiếp tục thực hiện các chính sách trước đây.

Trong báo cáo đánh giá về môi trường đầu tư của các nước trên toàn cầu công bố cuối tháng 8 vừa qua, WB đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong việc cung cấp điện và bảo vệ các nhà đầu tư, xử lý các giấy phép xây dựng và thực hiện các hợp đồng. Các chính sách của chính phủ quân sự có thể tiếp tục duy trì những ưu thế này để hỗ trợ các nhà đầu tư.

Thái Lan có một thời gian chứng kiến dòng vốn nước ngoài suy giảm do bất ổn chính trị, thế nhưng, họ đã ngăn được đà suy giảm nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính. Vì vậy, mặc dù chính trị vẫn còn chưa thật ổn định nhưng Thái Lan vẫn được xem là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại và Phát triển của LHQ (UNCTAD), tổng dòng vốn FDI đổ vào khu vực châu Á (trừ Tây Á) trong năm 2013 lên tới 382 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2012. Trong đó, Thái Lan là một trong những nền kinh tế đứng đầu châu Á về thu hút vốn FDI sau Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ, Indonesia. 

Nguyễn Chiến