In bài viết

Chiến thắng 30/4 và bài học chớp thời cơ, tạo thời cơ

(Chinhphu.vn) - 36 năm sau ngày 30/4/1975 lịch sử, việc nhìn nhận, phân tích về những giá trị và bài học của chiến thắng vĩ đại này vẫn hết sức cần thiết để góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.

29/04/2011 06:15

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, kết liễu chế độ Sài Gòn. - Ảnh tư liệu

Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ về những bài học hết sức phong phú về chiến thắng vĩ đại này của dân tộc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xanh (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặc biệt nhấn mạnh tới bài học về chớp thời cơ.

Thưa ông, GS Cốc Nguyên Dương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và kinh tế thế giới, Viện Khoa học-Xã hội Trung Quốc, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Việt Nam, trong một lần trả lời phỏng vấn đã khẳng định chiến thắng 30/4/1975 không chỉ đánh dấu sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn mà còn là sự kiện trọng đại mang tầm thế giới. Ý kiến của PGS về nhận định này?

PGS Phạm Xanh: GS Cốc Nguyên Dương đã có nhận định hết sức đúng đắn về ý nghĩa của Ngày Chiến thắng 30/4. Mỹ là đế quốc lớn nhất, mạnh nhất, giàu có nhất, tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau thất bại của thực dân Pháp. Có thể cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như là “tập hai” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà cuối cùng là chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Chiến thắng 30/4/1975 là 1 trong 3 kỳ tích của Việt Nam trong thế kỷ XX, sau kỳ tích thứ nhất là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, kỳ tích thứ 2 là chiến thắng  Điện Biên Phủ.

Việc chúng ta giải phóng miền Nam, đưa non sông về một mối có một ý nghĩa cực kỳ to lớn.

Nếu đặt chiến thắng này trong bối cảnh lịch sử của những năm 1970, thì có thể thấy thắng lợi của dân tộc Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tiến trình cách mạng thế giới, phong trào giải phóng các dân tộc, mang lại niềm tin rằng các dân tộc nhỏ trên thế giới có thể chiến đấu để giành độc lập, tự do cho chính mình.

Ngoài những vũ khí vật chất, với đường lối lãnh đạo sáng suốt, niềm tin chiến thắng đã trở thành vũ khí hết sức quan trọng của một dân tộc trong cuộc đương đầu với các đế quốc to để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã để lại nhiều bài học quí giá. Thưa ông, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, những bài học nào của chiến thắng vĩ đại này cần được nhìn nhận thấu đáo và phát huy?

PGS Phạm Xanh: Tôi cho rằng chiến thắng 30/4/1975 để lại nhiều bài học quan trọng về lựa chọn mục tiêu, lựa chọn điểm đột phá; về sự linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động tạo lợi thế và giành thắng lợi quyết định; về sự phối hợp lực lượng, phát huy sức mạnh của toàn dân để giành chiến thắng.

Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về bài học chớp thời cơ. Chúng ta biết rằng Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút bài học kinh nghiệm về thời cơ từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Thời cơ trong chiến thắng 30/4 biểu hiện hết sức rõ. Theo tôi, tuy không nằm trong chiến dịch Tây Nguyên nhưng trận Phước Long (từ đêm 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975) có ý nghĩa như một trận đánh trinh sát chiến lược, là phép thử hết sức quan trọng để xem khả năng chống chọi của chính quyền Sài Gòn và thử phản ứng của Mỹ như thế nào.

Ngày 6/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang họp thì nhận được tin chiến thắng Phước Long. Chính hội nghị này đã đưa ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng 2 năm, mà điều quan trọng nhất xác định nếu thời cơ đến trong năm 1975 thì chúng ta xốc tới.

Việc chủ động, tận dụng đón bắt thời cơ cũng là bài học lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay. Dĩ nhiên trong cơ hội, trong thời cơ đó bao giờ cũng có thử thách. Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa là tạo ra thời cơ. Để tạo ra thời cơ, cần sự chủ động của mỗi con người và của cả quốc gia. 

Nhân dân TP HCM dự mít tinh chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. - Ảnh tư liệu

Chúng ta nên cải cách môn học Lịch sử như thế nào để hấp dẫn hơn với giới trẻ, để  lớp trẻ hiểu sâu hơn về lịch sử, trong đó có sự kiện 30/4/1975, thưa ông?

PGS Phạm Xanh: Tôi đã trăn trở nhiều và đã trình bày rất nhiều suy nghĩ về việc đưa lịch sử vào chương trình phổ thông như thế nào cho hợp lý. Dĩ nhiên, tri thức lịch sử đến với con người bằng nhiều con đường, ngoài con đường chính thức là sách giáo khoa thì vẫn còn những cách khác.

Ví dụ, tổ chức những cuộc sinh hoạt, mời những người am hiểu lịch sử và các nhân chứng lịch sử đến nói chuyện với thầy cô giáo và học sinh.

Tôi cũng coi trọng việc học sử ngoài nhà trường. Ví dụ, nhân sự kiện chiến thắng 30/4 này, chúng ta có thể đưa học sinh đến Dinh Độc Lập, nơi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chúng ta cũng có thể đưa học sinh, sinh viên đến các bảo tàng để chính các hiện vật lên tiếng. Những cuộc đi thăm các di tích lịch sử, các bảo tàng, các chuyến dã ngoại đó sẽ làm phong phú thêm, làm sâu sắc thêm tình cảm của mỗi người chúng ta đối với các sự kiện lịch sử của đất nước.

Thưa ông, ngày nay, thế hệ trẻ rất muốn được nghe, được xem những tác phẩm văn học- nghệ thuật và tác phẩm điện ảnh về chiến thắng 30/4/1975. Dưới góc nhìn của nhà sử học, theo ông, các văn nghệ sĩ cần phải làm gì để đáp ứng được nhu cầu này của giới trẻ?

PGS Phạm Xanh: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta, nhất là chiến thắng 30/4/1975 là một kỳ tích. Kỳ tích này được phản ánh trong các công trình lịch sử, trong sách giáo khoa. Nhưng để làm rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4/1975 thì chúng ta cần sử dụng nhiều hình thức khác để tuyên truyền, khẳng định.

Dĩ nhiên, không thể bỗng chốc mà các nhà văn, các nhà viết kịch bản hoặc các đạo diễn có thể sáng tạo được những tác phẩm đồ sộ phản ánh được hết tầm vóc vĩ đại của sự kiện. Điều này đòi hỏi cần có thời gian. Tôi hy vọng, trong tương lai, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975 sẽ được phản ánh xứng đáng trong các tiểu thuyết, ký sự, các bộ phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trao đổi này.

Mai Hồng (thực hiện)