Gần 9 vạn thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu |
Tư lệnh Quân đoàn 3 là Thiếu tướng Vũ Lăng; Chính ủy là Đại tá Đặng Vũ Hiệp. Quân đoàn 3 được thành lập trên chiến trường Tây Nguyên là bước phát triển mới tạo điều kiện và tăng thêm sức mạnh để khối chủ lực Tây Nguyên vươn lên đáp ứng yêu cầu đánh to thắng lớn với tốc độ “một ngày bằng 20 năm” của diễn biến chiến trường.
Phối hợp chặt chẽ với quân và dân Tây Nguyên, trên toàn miền Nam, quân dân ta dồn dập tiến công và nổi dậy. Ở Nam Bộ, Sư đoàn 7 (thuộc Quân đoàn 4) đánh chiếm quận lỵ Định Quán, Hoài Đức, Giá Rai. Lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiêu diệt chi khu Dầu Tiếng, đánh chiếm các vị trí Bến Củi, Cầu Khởi, suối Ông Hùng, ngã ba Đất Sét. Quân và dân Quân khu 5 giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm (Quảng Nam), tiến công và bức địch rút khỏi Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi). Sư đoàn 2 và chủ lực Quân khu 5 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương tiến công giải phóng Tam Kỳ, Tuần Dưỡng (Quảng Nam). Quân và dân Quảng Ngãi tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã Quảng Ngãi. Từ bốn phía, các lực lượng của ta nhanh chóng hình thành thế bao vây tiến công địch ở Đà Nẵng.
Để mở rộng liên hoàn địa bàn chiến lược Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, ngày 21/3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ bổ sung cho các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên: “Tiếp tục phát triển chiến đấu trên ba trục đường 19, 7, 21; giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, phối hợp với Sư đoàn 3 -Quân khu 5 giải phóng Bình Định. Mục tiêu chủ yếu là diệt Lữ dù 3, Trung đoàn 40 của địch ở Khánh Dương, Phượng Hoàng và tiến xuống chiếm Nha Trang, Khánh Hòa”.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng tổ chức lực lượng phát triển tiến công trên ba hướng xuống các tỉnh Nam Trung Bộ. Ba cánh quân của ta trên các trục đường 19, 7 và 21 như ba dòng thác lớn từ vùng cao nguyên cuồn cuộn đổ về xuôi. Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, ngày 24/3/1975, Nguyễn Văn Thiện đã gửi công điện thượng khẩn cho các tư lệnh quân khu, quân đoàn, tiểu khu ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trị Thiên yêu cầu phải "tử thủ" nhằm giữ bằng được những phần đất còn lại, đồng thời lên kế hoạch lập tuyến phòng thủ ngăn chặn quân ta từ xa.
Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, Sư đoàn 23 ngụy bị tiêu diệt, đường 21 từ Tây Nguyên xuống Cam Ranh bị bỏ ngỏ, địch phải điều Trung đoàn 40 (Sư đoàn 22) từ Bình Định lên tổ chức phòng ngự tại Khánh Dương. Lực lượng còn lại của Sư đoàn 22 co cụm thành từng cụm, liên hoàn trên một tuyến kéo dài khoảng 20 km dọc đương 19 từ Phú Phong đến Phú An. Trung tâm của tuyến phòng ngự là cụm quân địch ở Lai Nghi.
Ngày 21/3, Trung đoàn 93 bộ đội địa phương tỉnh Bình Định cùng lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước tiến công địch ở Phước Hiệp và chợ Huyện. Cùng thời gian này, Tiểu đoàn đặc công của tỉnh Bình Định tiêu diệt cứ điểm Truông Úc. Ngày 26/3, Trung đoàn 92 và lực lượng vũ trang huyện Hoài Nhơn giải phóng thị trấn Tam Quan. Ngày 27/3, Mộ Đức và Bồng Sơn được giải phóng. Ngày 29/3, quân địch ở Gò Nổi rút chạy, nhân dân các xã phía đông huyện Tuy Phước nổi dậy giải phóng quê hương. Tuyến phòng thủ phía bắc Quy Nhơn của địch bị phá vỡ. Trên tuyến đường 129, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3) tiến công cụm quân địch ở Lai Nghi, chốt chặn cầu Thủ Thiện Hạ, chặn đường rút chạy của Sư đoàn 22 của quân đội Sài Gòn.
Nhằm chốt giữ phần đất còn lại, địch điều Trung đoàn 47 về lập tuyến phòng thủ mới ở ven thị xã Quy Nhơn, Trung đoàn 41 phòng thủ từ Diêu Trì đến Quy Nhơn, Trung đoàn 42 phòng thủ khu vực Diêu Trì - Cù Mông và giao cho Hoàng Cơ Minh - Phó Đô đốc Hải quân, Tư lệnh Vùng 2 duyên hải làm Tư lệnh chiến trường Quy Nhơn.
Để tiêu diệt Sư đoàn 22, đập tan ý đồ co cụm lực lượng của địch, giải phóng tỉnh Bình Định, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương quân khu do đồng chí Nguyễn Nam Khánh - Phó Chính ủy Quân khu phụ trách. Lúc này, Sư đoàn 968, Trung đoàn 95A, Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3) sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh địch ở Tây Nguyên, An Khê được Bộ Tư lệnh Tây Nguyên giao nhiệm vụ tiến xuống cùng nhân dân địa phương giải phóng Bình Định.
Ngày 29/3, Trung đoàn 19 thuộc Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A tiến xuống Bình Định hợp điểm với Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiến công địch ở khu vực Thủ Thiện, Lai Nghi., Phú Phong, Bình Khê, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân Bình Định nổi dậy giành quyền làm chủ.
Sáng ngày 30/3, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến công các cụm quân địch còn lại ở Lai Nghi, Phú Xuân, Phú Hòa 2 và tổ chức lực lượng chốt chặn không cho quân địch tháo chạy về Quy Nhơn. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) đánh chiếm ga Diêu Trì và Sở chỉ huy Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn ở An Nhơn. Phối hợp với Sư đoàn 3, Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) đánh chiếm núi Trà Lam Sơn ở phía tây Gò Quánh, diệt Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 40). Trung đoàn 95A đánh chiếm Phú Phong, làng Mai Xuân Thưởng. Ngày 31/3, ta giải phóng các quận lỵ An Túc, Bình Khê, Tam Quan, Hoài Nhưn, Hoài Ân, Phú Mỹ thuộc tỉnh Bình Định. Quân địch ở trung tâm huấn luyện Phù Cát tháo chạy về Quy Nhơn bị ta chặn đánh ở thị trấn Đập Đá. Tại thị xã Quy Nhơn, Trung đoàn 93, hai tiểu đoàn đặc công 220, 405; Tiểu đoàn 51 và lực lượng thị đội do Tỉnh đội trưởng Vũ Tấn Hạt chỉ huy từ 4 hướng đánh vào thị xã.
Ngày 1/4/1975, Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) tiêu diệt Trung đoàn 47 quân đội Sài Gòn, làm chủ sân bay Gò Quánh. Lực lượng vũ trang địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân chủ lực tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn. Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 95A vượt biển giải phóng các đảo Hòn Tre, Cù lao Thu.
Trong 3 ngày tiến công, các sư đoàn 3, 968, Trung đoàn 95A và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Định đã xóa sổ Sư đoàn 22 - Sư đoàn chủ lực cuối cùng của quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn.
Cùng với tàn quân địch từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về, lực lượng tại chỗ của địch ở Tuy Hòa được Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm huy động lên chiếm lĩnh các điểm cao trong và xung quanh thị xã Tuy Hòa. Ở ngoài biển, địch huy động hơn 10 tàu chiến lớn nhỏ hỗ trợ cho quân chiến đấu trên bộ. Quân địch tuy còn đông nhưng tinh thần chiến đấu đã rệu rã, ở nhiều nơi lính địch bỏ trốn. Đây là thời cơ thuận lợi để quân dân ta giải phóng Phú Yên. Bị quân ta đánh mạnh từ nhiều phía, quân địch ở thị xã Tuy Hòa buộc phải tháo chạy. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm cùng nhiều sĩ quan tùy tùng bị quân ta bắt sống. 9 giờ ngày 1/4, ta làm chủ thị xã Tuy Hòa.
Cánh quân Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 bộ binh, Trung đoàn 40 pháo binh và một số xe tăng của Trung đoàn 273 sau khi giải phóng Khánh Dương, tiến đánh Lữ dù 3 của địch ở đèo Phượng Hoàng, tiến xuống giải phóng Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh. Lữ đoàn dù số 3 quân đội Sài Gòn chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng cùng với bọn bảo an hình thành các điểm chốt, ngăn chặn quyết liệt quân ta.
Cuộc chiến đấu trên đèo Phượng Hoàng trong hai ngày (29 và 30/3/1975) diễn ra ác liệt. Địch huy động máy bay ném bom trục đường 21, đoạn từ Khánh Dương đến Phượng Hoàng. Để tiêu diệt Lữ dù 3, đập tan lá chắn phía tây Ninh Hòa của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị phòng không bám đánh máy bay địch bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ binh; pháo binh tập trung hỏa lực chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo địch, chi viện đắc lực cho bộ binh, xe tăng đột kích mạnh phía trước, kết hợp với các mũi luồn sâu đánh vào phía sau và hai bên sườn địch, chia cắt tiêu diệt các cụm chốt địch, không để chúng liên kết hỗ trợ nhau. Sáng 1/4, Sư đoàn 10 mở đợt tiến công quyết định tiêu diệt Lữ dù 3, đập tan hệ thống phòng ngự của địch trên đèo Phượng Hoàng, tràn xuống giải phóng thị trấn Ninh Hòa.
Ngày 2/4/1975, Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Nha Trang. Hôm sau (3/4/1975), Sư đoàn thẳng tiến vào Cam Ranh - quân cảng lớn nhất miền Nam. Địch dùng máy bay chi viện cho bộ binh chống cự quyết liệt, nhưng với sức mạnh áp đảo, Sư đoàn 10 nhanh chóng đè bẹp quân địch, đánh chiếm, làm chủ quân cảng Cam Ranh và phối hợp chặt chẽ với bộ đội, nhân dân Nha Trang, Khánh Hòa nổi dậy giành chính quyền, giúp đỡ bộ đội truy quyét tàn quân địch.
Như vậy, đến ngày 4/4/1975, ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 cùng một bộ phận cơ động chiến lược của quân đội Sài Gòn, diệt Sư đoàn 22, Sư đoàn 23, Lữ dù 3 và 8 liên đoàn biệt động quân, 1 liên đoàn công binh, 4 thiết đoàn, 10 tiểu đoàn pháo binh; đánh thiệt hại Sư đoàn 6 không quân, tiêu diệt và làm tan rã 7 tiểu khu, 26 chi khu, 50 tiểu đoàn, 51 đại đội bảo an và toàn bộ lực lượng cảnh sát, dân vệ, phòng vệ dân sự; giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của chính quyền và quân đội Sài Gòn bị xóa sổ. Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này đã mở ra cục diện mới rất có lợi cho ta, làm đảo lộn toàn bộ thế trận chiến lược của địch, uy hiếp mạnh địch ở Quân khu 3, cô lập địch ở Quân khu 1; đẩy địch từ những sai lầm về chiến thuật, chiến dịch đến sai lầm về chiến lược. Với chiến thắng to lớn và toàn diện cả về quân sự và chính trị ở Tây Nguyên và các tỉnh duyên nhải miền Trung, trên thực tế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam đã bắt đầu.
Phương Liên
(Ghi theo lời Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự)