Hôm nay (6/6), tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Hội thảo khoa học "Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" (1969), nhằm phát huy và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân miền Nam, vấn đề thành lập một chính quyền cách mạng ở cấp Trung ương, đảm bảo tính chính danh, với hình thức là một Chính phủ trở thành yêu cầu cấp bách cả về đối nội và đối ngoại.
Thực hiện chủ trương của Đảng và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, từ ngày 6 đến ngày 8/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã được tổ chức tại chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) - căn cứ của Trung ương Cục miền Nam.
Đại hội nhất trí thành lập Chính phủ lâm thời ở miền Nam, lấy tên là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thể hiện bước phát triển tất yếu của quá trình xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân miền Nam và là biểu hiện rực rỡ ý chí của nhân dân miền Nam thực hiện quyền làm chủ của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Sự kiện lịch sử hết sức quan trọng này làm cho đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hết sức vui mừng, tin tưởng, anh em bầu bạn khắp năm châu càng ra sức ủng hộ ta". Chủ trương đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sắc sảo và sáng tạo trong tư duy lãnh đạo của Đảng ta, phù hợp với thực tiễn đất nước và yêu cầu khách quan của cách mạng miền Nam.
Trong quá trình hoạt động, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thực hiện rất hiệu quả sứ mệnh lịch sử của mình: Mở rộng cải cách dân chủ trong vùng giải phóng, đặc biệt là thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng"; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; triển khai thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ mạnh mẽ của bè bạn quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Từ ngày 12/6/1969, Đoàn đại biểu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thay thế Đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành đàm phán tại Hội nghị Paris với tư cách là Chính phủ độc lập, đại diện chân chính của nhân dân miền Nam, góp phần vào thắng lợi của Hội nghị, tạo tiền đề thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày toàn thắng.
Đặc biệt, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng (01/5/1972), Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), để đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc kháng chiến, chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi đặt Trụ sở.
Ngày 6/6/1973, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.
Sau khi ra đời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tăng cường các hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội tại miền Nam; đặc biệt hoạt động đối ngoại của của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam những năm 1973 đến 1975, góp phần hình thành mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam-là đòn tấn công chính trị mạnh mẽ phối hợp với đòn tiến công quân sự và ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên mặt trận quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, cho rằng với việc tiếp nhận tất cả chức năng nhà nước do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chuyển giao, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành cơ quan quyền lực tập trung nhất, có nhiệm vụ động viên, lãnh đạo quân và dân miền Nam đẩy mạnh cao trào tổng tiến công và nổi dậy, kết hợp với đấu tranh ngoại giao nhằm đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ ngụy quyền, thực hiện các mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước.
Ngay sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đề ra Chương trình hành động gồm 12 điểm, trong đó, Điểm 1 nêu rõ nội dung chỉ đạo, điều hành trên lĩnh vực quân sự: "Lãnh đạo toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của chúng, và đòi Mỹ phải nói chuyện nghiêm chỉnh với Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam…".
Với tư cách là thực thể chính trị độc lập, đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tích cực chỉ đạo, điều hành quân và dân miền Nam tiến hành các hoạt động đấu tranh quân sự trong suốt những năm tháng quyết định của cuộc chiến tranh giải phóng.
Cùng với việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và quy tụ sức mạnh dân tộc dưới ngọn cờ đoàn kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần đưa cách mạng miền Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước làm thất bại các biện pháp quân sự, âm mưu, thủ đoạn mở rộng, duy trì chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tiến lên hoàn thành thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng, đối với sự nghiệp cách mạng, công cuộc kháng chiến, lập lại hòa bình và thống nhất đất nước, việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là quyết sách có tầm quan trọng chiến lược, khẳng định địa vị pháp lý của lực lượng cách mạng ta tại miền Nam.
Tính chính danh của Chính phủ Cách mạng lâm thời là cơ sở cho việc tiến hành đàm phán bốn bên tại Hội nghị Paris, sự công nhận và ủng hộ rộng rãi của phong trào hòa bình thế giới.
Cùng với làn sóng dư luận yêu chuộng hòa bình, sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế và bà con kiều bào tại nhiều nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời theo chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của thế trận vừa đánh, vừa đàm, dẫn tới đại thắng Mùa xuân năm 1975, đưa non sông thu về một mối.
Với sự kiên trì và những nỗ lực to lớn đó, hoạt động ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần thúc đẩy và hình thành nên một Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam, bao gồm các nước Không liên kết, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa, các nước tư bản chủ nghĩa, các tổ chức khu vực và quốc tế…
Riêng trong 2 năm 1973-1974, Chính phủ đã đón tiếp trên 30 đoàn đại biểu đến từ các nước trên thế giới, trong đó, tiêu biểu nhất là đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới vùng giải phóng Cam Lộ, Quảng Trị tháng 9/1973, nơi ông khẳng định lại câu nói bất hủ "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" .
Thông qua các chuyến thăm, chính phủ và nhân dân các nước càng hiểu rõ hơn sự tàn ác của đế quốc Mỹ, sự khốc liệt của chiến tranh cũng như sức chịu đựng phi thường và quyết tâm tột cùng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
"Thành công của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên mặt ngoại giao là vì tính chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng và công cuộc kháng chiến và thống nhất đất nước. Tiếng nói của cách mạng Việt Nam đã đi vào lương tri và trái tim của nhân loại, làm dấy lên phong trào phản chiến rộng rãi và dư luận đồng tình với những giải pháp hòa bình của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho hay, 50 năm đã trôi qua, sự kiện ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn luôn in đậm trong tâm trí của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị; là nguồn động lực thôi thúc toàn Đảng bộ tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, khát vọng, cống hiến, kiến tạo để đổi thay, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới từ diện mạo kinh tế đến đời sống xã hội không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Và Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về "thép nở hoa".
Phát huy truyền thống cách mạng và lịch sử vẻ vang của vùng đất Quảng Trị trung dũng, kiên cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo ra những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhờ vậy, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công với cách mạng luôn được thực hiện chu đáo, kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nói tiếp, mảnh đất Quảng Trị trên tuyến lửa năm xưa nay đã hoàn toàn "thay da đổi thịt".
Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn còn đó, mãi mãi là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân ta; là biểu tượng của khát vọng hòa bình và lòng quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Nhật Anh