Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, đánh giá khái quát về những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2017, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng:
Thành tựu nổi bật trước tiên được công nhận, kể cả bởi các tổ chức quốc tế, là Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng tốt. Nhiều chuyên gia đã lo ngại là khó đạt được tốc độ tăng trưởng mà Quốc hội đặt ra cho năm nay, cũng như lo ngại việc tăng trưởng phải trả giá cao. Nhưng đến cuối năm, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao cùng với kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đó là điều rất đáng mừng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trong năm qua, người dân và doanh nghiệp đã có niềm tin tốt hơn hẳn với Chính phủ. |
Tất nhiên, nhiều người vẫn còn nghi ngại vì có vẻ tăng trưởng chưa có cơ sở vững chắc, bản thân tôi cũng vậy. Tuy nhiên khi nhìn vào sự tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản, vào đầu tư của FDI và khu vực tư nhân nói chung, vào xuất khẩu…, thì rõ ràng chúng ta đã có được những kết quả đáng mừng trên các lĩnh vực này.
Điểm nổi bật thứ hai là Chính phủ đã tập trung tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với ý thức rất rõ rằng doanh nghiệp mới là người tạo nên tăng trưởng. Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ thể hiện qua các xếp hạng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mà quan trọng hơn là cộng đồng doanh nghiệp- cả doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài- cũng thừa nhận có nhiều cải thiện.
Khi khảo sát về việc doanh nghiệp có dự định tăng thêm đầu tư trong năm tới không, thì câu trả lời của khá đông doanh nghiệp là “có”, thể hiện niềm tin kinh doanh đang tăng lên. Gần đây nhất, đánh giá của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước mà các tập đoàn đa quốc gia muốn đầu tư nhất.
Việc các công ty đa quốc gia tiếp tục nhắm tới Việt Nam cho thấy các cố gắng của chúng ta đang được ghi nhận và là cơ sở để chúng ta định hướng tới tương lai một cách vững tin hơn, cố gắng để thu hút những dự án đầu tư có chất lượng cao hơn.
Quyết tâm của Chính phủ với những giải pháp được triển khai một cách bền bỉ, liên tục, với sự kết hợp giữa các giải pháp vì các mục tiêu cấp bách, trước mắt và các giải pháp vì các mục tiêu lâu dài hơn rõ ràng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2017 đầy thách thức này.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm , đặc biệt về cải cách thể chế. Ngay trong lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh, dù Chính phủ đã làm được nhiều việc, song người dân và doanh nghiệp, các chuyên gia còn phàn nàn nhiều về tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Kết quả công việc có thể cao hơn, vững chắc hơn nhiều nếu các cấp bộ, ngành, địa phương bớt “lạnh” đi và nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ của họ đã được nêu rõ trong Nghị quyết 19 của năm nay.
Đi vào lĩnh vực cụ thể, theo bà, đâu là những điểm nhấn trong năm 2017?
Điểm nổi bật tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến chính là việc Chính phủ đã tập trung chỉ đạo và ở nhiều tỉnh, bà con nông dân cùng các doanh nghiệp, các nhà công nghệ đã sát cánh cùng nhau thực hiện đổi mới cách làm, và đã gặt hái được kết quả khá tốt trong lĩnh vực chuyển đổi sản xuất và kinh doanh nông sản. Tái cơ cấu nông nghiệp đang dẫn đầu trong việc tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hàng, với định hướng đúng đắn và mang lại kết quả bước đầu quan trọng. Nông nghiệp đã vượt lên, cải thiện khá tốt so với năm trước, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP năm nay.
Một ví dụ cụ thể, xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng ngoạn mục và nông sản đã nổi lên, bù đắp cho sự sụt giảm của dầu thô. Đó là một chuyển biến đẹp, rất đáng hoan nghênh, nhất là khi nhiều thị trường nhập khẩu đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát toàn bộ qui trình sản xuất. Điều này không chỉ khẳng định nông nghiệp của chúng ta có thể phát triển, hội nhập mà còn giúp cải thiện thu nhập của đông đảo nông dân, giúp thay đổi cách tư duy, làm ăn của người nông dân và tạo niềm tin để họ đi tiếp trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị tập trung tối đa cho việc cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh. |
Thứ tư, Chính phủ đã làm mạnh hơn việc cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước. Tuyên bố của Thủ tướng là Chính phủ không đi bán bia, bán sữa đã được thực hiện bằng việc bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk, Sabeco với tỷ lệ khá cao.
Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị nào cố tình lừng chừng, những ai có lợi ích riêng tư cũng không thể níu giữ tiếp vì Chính phủ đã đưa ra danh mục cụ thể và đã cho thấy sẽ làm bằng được việc này, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
Một số hoạt động khác cũng đáng quan tâm, như Chính phủ thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ, coi công nghệ là động lực cho phát triển và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị APEC trong một năm đầy bất định của thế giới và khu vực, thể hiện vị thế của nước chủ nhà và quyết tâm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Về cuối năm cả lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có những chủ trương và quyết định mới về cải cách bộ máy, tinh giản biên chế và chống tham nhũng. Một số vụ việc về tham nhũng bắt đầu được đưa ra xử lý, được đông đảo người dân quan tâm.
Nói chung, trong năm qua, người dân và doanh nghiệp đã có niềm tin tốt hơn hẳn với Chính phủ.
Kết quả đạt được của năm 2017 là rất toàn diện, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục lưu ý thời gian tới và trong năm 2018?
Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên, trong việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn điều đáng buồn là một số bộ ngành, địa phương vẫn hờ hững hoặc tuy có làm một số việc nhưng “cởi chỗ này lại trói chỗ khác”. Sức ỳ còn lớn, sự nhũng nhiễu còn phổ biến ở nhiều nơi, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn rất nhiều.
Số doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn rất cao. Chính phủ đã chọn 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, và tuy có giảm một số chi phí hành chính, nhưng nhìn chung mặt bằng chi phí vẫn cao, đặc biệt là chi phí tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, một số dịch vụ công và các sản phẩm do các doanh nghiệp độc quyền hoặc chi phối thị trường cung cấp. Mức thuế, phí vẫn cao, vẫn có những chỗ bất hợp lý, hành thu vẫn phức tạp và nhiều tiêu cực khiến ngân sách thì bị “ăn chặn” nguồn thu, người nộp thuế thì bất bình.
Thứ hai, một số lĩnh vực đã cho thấy việc tái cơ cấu khó khăn như thế nào. Chẳng hạn như việc xử lý 12 dự án yếu kém, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo sát sao, làm việc liên tục, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống này cũng vậy. Nợ công vẫn là một mối đau đầu lớn.
Việc cổ phần hóa, thoái vốn đã được thúc đẩy tại một số doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhìn chung tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp vẫn lớn, và cả quá trình này vẫn rất nhọc nhằn, vướng nhiều cản trở từ cả tư duy lẫn lợi ích nhóm.
Tôi cũng cho rằng trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nên quan tâm tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nhiều hơn. Mục tiêu của chúng ta đâu có phải là “bán lấy được”, mà quan trọng hơn là phải tái phân bổ các nguồn lực mà DNNN đang nắm giữ quá nhiều và sử dụng kém hiệu quả, để khu vực tư nhân trong nước -khu vực đang được coi là “động lực quan trọng”- có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả hơn, từ đó vừa đóng góp cho tăng trưởng, vừa tăng thêm nội lực của nền kinh tế.
Về cách thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua, theo bà có những điểm gì đáng chú ý nhất?
Điểm khác biệt rõ rệt nhất trong điều hành của năm nay là Chính phủ đã tập trung cao vào một số trọng điểm, trọng tâm, tức là điều hành đã có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng hơn.
Doanh nghiệp, người dân thấy Thủ tướng hết sức tâm huyết với công việc, có quyết tâm cao, xông vào tận “chiến trường” xử lý cụ thể, quyết định nhanh, không e ngại các vấn đề nóng, không sợ mất lòng một số “quan”. Như tại Hội nghị với doanh nghiệp hồi tháng 5, sau khi nghe sự bức xúc của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành ngay Chỉ thị 20 chấn chỉnh việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp với yêu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần 1 năm. Các Phó Thủ tướng cũng rất xông xáo, năng động.
Trong điều hành, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đã chú trọng lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia.
Theo tôi được biết, trong xây dựng Nghị quyết 01 cho năm 2018, Thủ tướng đã yêu cầu rút kinh nghiệm những năm trước, để tránh xây dựng Nghị quyết quá dài (30-40 trang), đưa ra quá nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong đủ mọi lĩnh vực nhưng lại thiếu điểm nhấn, trọng tâm, trọng điểm. Thay vào đó, tinh thần chung trong xây dựng dự thảo Nghị quyết năm tới là phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, không đưa những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc thường xuyên của các Bộ ngành vào dự thảo. Đây là định hướng rất đúng đắn. Nhiều việc là trách nhiệm đương nhiên theo luật định của các bộ ngành, không đưa vào nghị quyết thì họ vẫn phải làm chứ.
Tôi cũng mong trong một vài năm tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ dành thời gian tập trung chỉ đạo thực hiện những việc mang tính chất trung hạn, dài hạn hơn. Rất cần tập trung tối đa cho việc cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh một cách cơ bản (như thực hiện bằng được Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp), đổi mới mạnh giáo dục và công nghệ, nhằm tạo nền tảng để phát triển với tốc độ cao và bền vững trong những năm sau 2020.
Tôi cũng cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy, tăng chế tài đối với các bộ ngành, địa phương để tăng cường trách nhiệm, tính năng động, chủ động, tính kỷ luật của các cơ quan này. Tập trung vào những khâu yếu trong hệ thống để cải cách, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả và kỷ cương của bộ máy nhà nước là việc không thể để chậm trễ nữa, vì chính bộ máy này trong nhiều trường hợp đang cản trở sự phát triển của nước ta.
Chính phủ đã thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tôi mong đây không chỉ là chủ trương cho người dân và doanh nghiệp, mà cả bộ máy nhà nước cũng phải thực hiện, hơn nữa phải gương mẫu, tiên phong thực hiện. Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, cách chúng ta tương tác, muốn vậy phải thay đổi cả cách thức và năng lực làm việc của bộ máy nhà nước mới được.
Cuối cùng, trong năm 2018 có một số vấn đề vẫn còn rất nóng, Chính phủ cần xử lý triệt để như vấn đề đất đai, các trạm BOT, ô nhiễm môi trường, tham nhũng… Tôi mong Chính phủ thẳng tay hơn với các nhóm lợi ích, các cá nhân và đơn vị làm sai bất kể là ai, để bảo vệ lợi ích chính đáng của đông đảo người dân “thấp cổ bé họng”. Từ đó sẽ củng cố hơn nữa niềm tin vào một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Xin trân trọng cám ơn bà!
Hà Chính (thực hiện)