In bài viết

Chính phủ đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, nâng cao hiệu quả thi hành án

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2023.

07/09/2023 12:26
Chính phủ đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, nâng cao hiệu quả Thi hành án - Ảnh 1.

Chính phủ đã chú trọng chỉ đạo thi hành các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; đã thi hành xong 3.568 việc, với số tiền thu được trên 15.637 tỷ đồng - Ảnh: VGP/LS

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác thi hành án

Tại phiên họp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã có báo cáo giải trình, tiếp thu và bổ sung một số nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp về công tác thi hành án dân sự (THADS), đồng thời tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp để hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2023.

Đánh giá về các báo cáo nói chung và Báo cáo về công tác thi hành án 10 tháng năm 2023 của Chính phủ nói riêng, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận định: Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án 10 tháng năm 2023 đã phản ánh khá toàn diện, đầy đủ tình hình, kết quả công tác THADS, hành chính, hoạt động thừa phát lại và công tác thi hành án hình sự, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phương hướng và giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó, công tác hoàn thiện thể chế về thi hành án tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và thu được những kết quả tích cực. Tập trung chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thi hành án tiếp tục được tăng cường. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu do Quốc hội giao về công tác thi hành án; công tác xây dựng củng cố tổ chức cơ quan THADS, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan thi hành án tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và thu được những kết quả tích cực; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... được thực hiện thường xuyên và thu được những kết qủa nhất định trên các mặt công tác.

Cụ thể, về công tác thi hành án dân sự, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp trong công tác THADS 10 tháng năm 2023. Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra bằng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS. Hoạt động của cơ quan THADS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng thực hiện thường xuyên, cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật. 

Kết quả thi hành xong: Về việc đạt tỉ lệ 70,06% (tăng 1,87%), về tiền đạt tỉ lệ 34,93% (tăng 3,76%) so với cùng kỳ năm trước, tính trên tổng số án có điều kiện thi hành. Chính phủ đã chú trọng chỉ đạo thi hành các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; đã thi hành xong 3.568 việc, với số tiền thu được trên 15.637 tỷ đồng… Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế trong THADS tiếp tục được tăng cường. Công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả tích cực; công tác phối hợp trong THADS tiếp tục được triển khai đồng bộ. Công tác bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước tiếp tục được chú trọng thực hiện.

Về công tác thi hành án hành chính, Ủy ban Tư pháp nhận định, trong thời gian qua, Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành Luật Tố tụng hành chính, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án hành chính ở địa phương; công tác kiểm tra, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được triển khai thực hiện. 

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước đã thi hành xong là 423/1.213 bản án, quyết định; tạm đình chỉ thi hành 13 bản án; còn 777 bản án, quyết định đang tiếp tục thi hành. Các cơ quan THADS đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 634 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 491 quyết định buộc THAHC của tòa án; ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm người không chấp hành án hành chính đối với 119 vụ việc.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác THADS, hành chính, thừa phát lại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính và hoạt động của các tổ chức thừa phát lại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình mới; thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của cơ quan thi hành án; sớm triển khai việc xây dựng dự án Luật Thừa phát lại theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định thừa phát lại.

Có giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự theo yêu cầu của Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội; tăng cường các biện pháp để bảo đảm giải quyết tốt việc thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các khoản thất thoát, phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường các biện pháp quản lý và kiểm soát hoạt động thi hành án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trong lĩnh vực thi hành án dân sự; bảo đảm việc xác minh điều kiện thi hành án, ra quyết định về thi hành án đúng pháp luật; bảo đảm chấp hành đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế thi hành án, đấu giá tài sản bảo đảm thi hành án và các quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá.

Tiếp tục có các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính; tăng cường trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND trong việc chấp hành án hành chính và chỉ đạo việc thi hành án hành chính ở địa phương. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án.

Quan tâm, tạo điều kiện kiện toàn về cơ sở vật chất, biên chế cán bộ đảm nhiệm công tác thi hành án hình sự.

Chỉ đạo Bộ Công an và UBND các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa và huy động sự tham gia của nhân dân, các đoàn thể vào công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về sinh sống tại địa phương. Tăng cường công tác quản lý, giám sát người chấp hành án treo, người chấp hành cải tạo không giam giữ, cấm cư trú... Có các giải pháp phòng ngừa người đã chấp hành xong án phạt tù tái phạm.

Chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự; tăng cường công tác quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ thi hành án hình sự, kịp thời phát hiện các sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nguyên tắc, quy chế trong thi hành án hình sự.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị làm rõ, bổ sung thêm trong Báo cáo của Chính phủ, kỳ 12 tháng năm 2023 một số nội dung liên quan.

Lê Sơn