Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 29/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương được giao hằng năm trong cả giai đoạn để thực hiện và giải ngân ước đạt 964.950 tỷ đồng, bằng 86,16% tổng số vốn ngân sách Trung ương dự kiến trong kế hoạch trung hạn (1 triệu 120 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng chung).
Để giải quyết phần thiếu hụt (155.050 tỷ đồng), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách; chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn, hằng năm và tiến độ thực hiện các dự án của đơn vị mình; ưu tiên bổ sung cho đầu tư từ các nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)... để thực hiện. Trong trường hợp không bù đắp đủ, phần còn lại sẽ được tiếp tục cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm quá trình đầu tư công được liên tục.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2019 và năm 2020, điều chuyển vốn kế hoạch giữa các dự án, xây dựng phương án phân bổ hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo nguồn để thực hiện các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Liên quan đến nội dung cân đối giữa việc tăng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ODA lên 60.000 tỷ đồng và giảm tương ứng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo báo cáo đánh giá giữa kỳ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện của cả giai đoạn 5 năm đạt khoảng 196.760 tỷ đồng, theo đó, số vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến không thực hiện hết của kế hoạch trung hạn là khoảng 63.240 tỷ đồng, cao hơn số vốn ODA đã được Quốc hội cho phép bổ sung tại Nghị quyết số 71/2018/QH14.
Bên cạnh việc điều chỉnh ngay từ khâu lập kế hoạch vốn hằng năm giữa 2 nguồn vốn này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đơn vị sử dụng nhiều vốn trái phiếu Chính phủ triển khai rà soát khả năng thực hiện và giải ngân của các dự án lớn để có sự điều chỉnh phù hợp. Như vậy, việc bảo đảm đủ vốn ODA theo kế hoạch là khả thi và không ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, Chính phủ đề xuất hướng xử lý là trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ triển khai rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020; thông báo phương án phân bổ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định; khẩn trương triển khai tổng hợp, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án đúng quy định; cân đối nguồn lực trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2020 và các nguồn khác như tăng thu, tiết kiệm chi... để bố trí thực hiện các dự án; tổng hợp báo cáo lại Quốc hội để giám sát. Đối với các dự án không kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư để thực hiện trong năm 2020, sẽ có điều kiện để thực hiện sớm ngay trong năm đầu tiên của chu kỳ kế hoạch trung hạn mới và các năm tiếp theo.
Theo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng có thể thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm, phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án và sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có) để bổ sung thêm nguồn bù đắp thiếu hụt khả năng cân đối vốn.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Do thời gian của Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại không nhiều, nhu cầu bổ sung nguồn vốn này rất lớn, trong khi đó việc xác định nguồn bù đắp thiếu hụt khả năng cân đối vốn tùy thuộc vào thực tế nguồn tăng thu và điều chỉnh cụ thể Kế hoạch đầu tư công trung hạn, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn, quyết định danh mục và chịu trách nhiệm về việc phân bổ trên nguyên tắc đảm bảo cân đối nguồn vốn hằng năm, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại các báo cáo thẩm tra, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 10.
Đồng thời, giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Quốc hội.
Lê Sơn