Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải đi liền với quản lý Nhà nước, không được buông lỏng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho biết từ năm 2012, 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT là ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TPHCM; ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội đã thí điểm thực hiện tự chủ rất mạnh và có kết quả tốt.
Những nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH công lập tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Nhiệm vụ đào tạo, tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính.
Ở mức độ tự chủ cao nhất, các trường được tự mở mã ngành đào tạo mới, quyết định mức học phí, mức thu nhập tăng thêm của cán bộ, giáo viên, tự đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn thu hợp pháp...
Các thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm giao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH công lập sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ là rất lớn, không chỉ 4 trường ĐH trên mà 53 trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ Công Thương cũng vậy.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc giao quyền tự chủ cần tạo đột phá trong nguồn thu hợp pháp của các trường trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo để các trường có thể tự hạch toán dựa trên chất lượng đào tạo.
Ủng hộ việc tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã góp ý thêm về xây dựng cơ chế kiểm định độc lập, công khai; tự kiểm soát chất lượng giáo dục, đào tạo của mỗi trường.
“Chúng ta giao tự chủ cho các trường nhưng phải có định hướng của Nhà nước đối với nhiệm vụ đào tạo. Ban lãnh đạo của nhà trường có cam kết trách nhiệm đối với tài sản, cơ sở vật chất. Nhất là việc tự chủ không làm mất đi cơ hội học tập của những sinh viên bình thường”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý.
Lắng nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục ĐH.
Và việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT thu được kết quả rất tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường trên 3 lĩnh vực: Nhiệm vụ đào tạo, tổ chức bộ máy, tài chính.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải đi liền với quản lý Nhà nước, không được buông lỏng.
“Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ. Các chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo cần phải được quan tâm.
Chính phủ thống nhất về việc ra nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT là ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TPHCM; ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội.
Bên cạnh đó, các trường ĐH khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ GDĐT phê duyệt.
Trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình, SGK
Trong phiên họp chiều 28/8, các thành viên Chính phủ góp ý cụ thể dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đề án phải làm rõ những điểm then chốt, có tính thuyết phục cao đối với một số nội dung: Nguyên tắc, nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.
Việc đổi mới chương trình sẽ tách riêng với đổi mới SGK. Chương trình ở bậc giáo dục phổ thông được tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT.
Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, ban hành chương trình chuẩn.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cũng đã giải trình cụ thể về hai phương án biên soạn SGK: Bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; hoặc Bộ GDĐT chỉ thẩm định chất lượng các bộ SGK được tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các thành viên Chính phủ nhất trí với việc lựa chọn phương án 1 để chủ động trong việc thực hiện các mục tiêu trong lộ trình đổi mới chương trình, SGK.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ GDĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.
Đình Nam