In bài viết

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2019

(Chinhphu.vn) – Chiều 5/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, tháng diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước.

05/11/2019 14:20

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2019. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tháng 10 và 10 tháng năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô  ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Thị trường tiền tệ mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung..., nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo; tín dụng đối với một số ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ nhìn chung có mức tăng trưởng khá. Tiến độ thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt kết quả tích cực, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.

Doanh nghiệp thành lập mới 10 tháng tiếp tục phát triển với quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ đồng. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng cao, xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được bảo đảm và thực hiện tốt.

Bộ Kế hoạch và  Đầu tư cho rằng, vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, trong những tháng còn lại của năm 2019, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về một số nội dung lớn và giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về phiên họp này.

Đức Tuân