Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
Dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ
Ông Lộc dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết 10 tháng đầu năm cả nước có hơn 91.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tính ra trung bình chưa đầy 5 phút ở Việt Nam lại có thêm 1 doanh nghiệp. “Với đà này năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà như là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp nói.
Cùng với đó, ngày 26/10, Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam tăng 9 bậc trong bảng tổng sắp môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 92/190 nước trên thế giới, xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN.
“Từ quốc tế nhìn vào, Ngân hàng thế giới quyết định nâng bậc cho Chính phủ Việt Nam về chất lượng thể chế. Trong nước thì người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ bằng việc hăng hái thành lập doanh nghiệp, niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy và đó là dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ trong những ngày tháng đầu tiên”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lộc, với điều kiện bình thường, khơi dậy niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đã khó, nhưng trong bối cảnh gian nan của nền kinh tế nước ta kể từ đầu năm đến nay, hệ luỵ từ những bất ổn của kinh tế thế giới, thiên tai dồn dập, tích tụ những khuyết tật của nền kinh tế chưa được khắc phục ngày càng rõ, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp cả nước đặc biệt cảm nhận và đánh giá cao tinh thần và hành động của Chính phủ theo hướng kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp qua việc ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Lộc thẳng thắn, niềm tin đã được khơi dậy và không khí khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu nhưng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn mà các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 phải tính đến một cách cẩn trọng. Mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN và hướng tới mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 chỉ có thể đạt được bằng những nỗ lực đột phá.
Triển khai còn mang tính đối phó
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng trong thời gian qua Chính phủ đã có sự vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Biểu hiện cụ thể nhất, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến 2020; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, 35 còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi phối hợp triển khai theo ngành ngang cùng với nguy cơ của việc xây dựng chương trình hành động mang tính đối phó, qua loa, rập khuôn giữa các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rườm rà phức tạp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 9 tháng năm 2016 lên tới 16.294 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.803 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục để giải thể trong 9 tháng đầu năm nay là 8.365 doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới và các bộ, ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp với các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, nhằm đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Bức xúc chuyện “xin kinh phí”
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, lại đặt vấn đề “Chính phủ quyết liệt là vậy nhưng tại sao vẫn còn nhiều vấn đề khiến xã hội bức xúc và nguyên nhân của nó là gì?”.
Ông Cương cho rằng những vấn đề gây bức xúc xã hội đa phần đều có chung nguyên nhân, đó là sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức.
Đưa ví dụ cụ thể, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại tiết lộ nhiều doanh nghiệp nhỏ nói với ông rằng lực lượng chức năng đóng trên địa bàn “việc gì có thể không biết chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt và xuống thăm hỏi thường xuyên”. Thăm hỏi không phải là để kiểm tra, xem xét gì mà chỉ để xin kinh phí hỗ trợ.
“Trước thì chỉ xin dịp tết Nguyên đán, nay thì dịp lễ cũng xin, dịp nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị gì cũng xin. Việc cho là tùy tâm nhưng không cho thì có thể bị làm khó dễ. Vì thế các doanh nghiệp đành chấp nhận” - ông Cương phát biểu.
Theo ông Cương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn. Nhưng chính sự nhũng nhiễu của một số nơi như vậy khiến hiệu quả chỉ đạo giảm rất nhiều.
Thành Đạt