![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 19/11. |
Chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề kinh tế- xã hội rộng lớn và được dư luận quan tâm nhất đã được Thủ tướng trả lời thẳng thắn.
Các vụ việc có yếu tố nước ngoài đều được xem xét
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về một số vụ việc gần đây có liên quan đến yếu tố nước ngoài, Thủ tướng đã thẳng thắn nhắc đến vụ PCI và vụ báo chí Úc đưa tin về việc in tiền polymer.
Thủ tướng cho biết, khi được thông tin về vụ PCI, Thủ tướng đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu vấn đề, đương nhiên phải theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Với những chứng cứ đã có, cơ quan chức năng đã khởi tố, xét xử các cá nhân đúng người đúng tội.
“Cơ quan chức năng nói có khó khăn về kinh phí khi dịch thuật tài liệu phía bạn cung cấp, tôi đã đồng ý giải quyết kinh phí. Có người hỏi tôi sao không lấy những chứng cứ của phía bạn mà buộc tội, nhưng pháp luật Việt Nam không cho phép làm việc đó”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề cập việc báo chí Úc đưa tin một công ty của họ phải đưa hối lộ để in tiền polymer. Hiện, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng năng nắm vấn đề, mặt khác Bộ Ngoại giao đã làm việc với Bộ Ngoại giao Úc, phía Úc cho biết sẽ cung cấp tài liệu khi nào có thể.
“Mọi sự việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài đều có chỉ đạo xem xét đúng người đúng tội theo pháp luật Việt Nam. Còn các khiếm khuyết của pháp luật Việt Nam thể hiện qua các vụ việc này như thế nào, tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập”, Thủ tướng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lê Văn Cuông về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ việc Trường dự bị đại học Sầm Sơn, Thủ tướng cho hay đã giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra. “Mỗi sự việc đều có mặt này mặt khác, khi xử lý phải hết sức bình tĩnh, khách quan, đúng người đúng việc, không nghe một phía”, Thủ tướng nói.
Rà soát 3 vấn đề lớn về thủy điện
Đại biểu Ngô Văn Minh, Quảng Nam, đánh giá, báo cáo giải trình của Thủ tướng đã giải tỏa những trăn trở liên quan đến thủy điện mà trả lời của các Bộ trưởng chưa làm hài lòng các đại biểu. Đại biểu kiến nghị “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ngồi lại giải quyết rốt ráo” vấn đề này.
Thủ tướng dẫn những con số cụ thể về lượng điện mà Thủy điện đóng góp: năm 2007 là 12.000 MW, đến 2008 là 15.000 MW.
Thủ tướng cho hay, đã yêu cầu các bộ ngành thực hiện 3 nhóm vấn đề: rà soát lại quy hoạch thủy điện vừa và lớn; rà soát lại từng tiêu chí để xem xét thẩm định dự án thủy điện; và đánh giá xem xét lại quy trình của các hồ chứa.
“Việc đánh giá này căn cứ vào 2 vấn đề: thứ nhất là kịch bản biển đối khí hậu mà chúng ta đang xây dựng, và thứ hai là tình hình bão lũ vừa qua”, Thủ tướng cho biết.
Trước câu hỏi “chúng ta có những mục tiêu mâu thuẫn nhau: vừa muốn giữ rừng, vừa muốn trồng cà phê, cao su”, Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc làm việc của Chính phủ: “Chính phủ luôn lựa chọn lợi ích lớn nhất, lợi tích tổng hợp khi phải cân nhắc các mục tiêu mâu thuẫn nhau".
Nguyên tắc này được Thủ tướng chứng minh bằng những con số cụ thể: Hiện Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng 39%, phấn đấu tới năm 2020 nâng lên 45%, tức tỷ lệ của năm 1945. Trong đó, chúng ta chủ trương 3 loại rừng: 2 triệu ha rừng đặc đụng, 5 triệu ha rừng phòng hộ, 8 triệu ha là rừng kinh tế.
Thủ tướng lấy ví dụ về cây cao su, một loại cây được đánh giá là đa mục tiêu: “Chúng ta vẫn kiểm soát được 700.000 ha cao su được quy hoạch. Cây cao su mới trồng đã tạo thu nhập cho công nhân từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Tất nhiên, chúng ta trồng cao su nhưng không quên mục tiêu trồng rừng”.
Xây dựng Nghị định hỗ trợ tín dụng nông dân
Về 62 huyện nghèo trên cả nước được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Thủ tướng cho biết, đây là những nơi vùng sâu vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.
Trước kiến nghị của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về việc chuyển một phần hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty cho 62 huyện này về chương trình 28 huyện nghèo của 18 tỉnh, Thủ tướng chỉ rõ, 28 huyện này chưa đủ tiêu chuẩn huyện nghèo mà chỉ xấp xỉ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đã yêu cầu các huyện này phải lập dự án giảm nghèo căn cứ bộ tiêu chí mà Chính phủ đã có, tỉnh dành nguồn lực trong ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực xã hội, với sự hỗ trợ có mục tiêu của trung ương.
“Còn mở rộng ra thêm ngoài 62 huyện nghèo là không có lực. Chúng ta chỉ có đủ lực để tập trung trong một số năm để tạo chuyển biến cho 62 huyện nghèo nhất”, Thủ tướng nói.
Về quyết định 497 của Thủ tướng hỗ trợ nông dân, Thủ tướng thừa nhận có một số bất cập. “Sau chuyến làm việc ở miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi mới thấy rằng nên có hỗ trợ máy móc cho nông dân. Tháng 4 ban hành, cuối tháng 8 mới có hướng dẫn cụ thể. Tháng 9 triển khai, đến tháng 10 thì Quốc hội họp, quyết định vẫn chưa đi vào thực tế bao nhiêu”, Thủ tướng thẳng thắn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết sẽ có những giải pháp cụ thể với vấn đề này. “Chúng tôi tiến hành đồng thời hai việc: vừa rà soát lại quyết định 497, sửa đổi bổ sung kịp thời những gì không phù hợp, vừa giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng Nghị định về chính sách hỗ trợ tín dụng nông dân. Nghị định này khi ra đời sẽ giải quyết các vướng mắc trong vấn đề này”.
Hà Lực