In bài viết

Chính phủ quy định cơ cấu Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố

(Chinhhu.vn) - Giải trình thêm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về cơ cấu Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định người đứng đầu và thành viên của cơ quan này, bảo đảm sự phù hợp với thực tế đấu tranh phòng, chống khủng bố.

12/06/2013 14:07

Quốc hội thảo luận Luật phòng, chống khủng bố

Đai biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn quảng Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong phiên họp sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố với 89,76% số đại biểu tán thành.

Luật Phòng, chống khủng bố quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống khủng bố.

Luật này áp dụng đối với công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác

Trước đó có những ý kiến khác nhau về Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố khi đa số đại biểu tán thành với quy định thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, có ý kiến đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố quốc gia; Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng Ban Thường trực; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban; ở cấp tỉnh cơ cấu tương tự.

Có ý kiến đề nghị quy định Bộ Công an và công an tỉnh làm cơ quan thường trực, đề nghị ở cấp tỉnh chỉ là bộ phận tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố để không hình thành thêm tổ chức.

Có ý kiến đề nghị không thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố mà giao nhiệm vụ này cho Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ

Về vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa giải trình thêm, theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về cơ cấu Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định người đứng đầu và thành viên của cơ quan này, bảo đảm sự phù hợp với thực tế đấu tranh phòng, chống khủng bố.

Quy định này được 87,15% đại biểu đồng ý.

Ngoài ra, liên quan đến biện pháp chống khủng bố, biện pháp "thương thuyết với đối tượng khủng bố" "phá, dỡ nhà, công trình xây dựng" là hai biện pháp đã được đúc rút kinh nghiệm trong thực tế xử lý tình huống khủng bố ở nước ta và kinh nghiệm của quốc tế, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định hai biện pháp này trong luật với sự đồng thuận của 89,16% đại biểu.

Quy trách nhiệm phòng, chống cháy nổ cho lãnh đạo đơn vị

Cũng trong sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải sửa đổi và thông qua sớm dự Luật này ngay tại kỳ họp thứ 5 do cuộc sống đang đòi hỏi cấp thiết.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đề xuất việc sửa đổi bổ sung nên tập trung vào 3 hướng là: tăng cường tập trung quản lý các cơ quan, hộ gia đình; quan tâm tới các lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp; tăng đầu tư trang thiết bị phòn,g chống cháy nổ.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), cho rằng Dự thảo cần bổ sung quy định "Nhà nước bảo đảm phương tiện PCCN cho các lực lượng và có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện phòng, chống cháy nổ".

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến hành hành vi bị nghiêm cấm, vì đây là nguyên nhân gây cháy nổ.

Tán thành quy định trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng Luật hiện nay còn quá chung chung, việc quy định cụ thể như trong dự thảo lần này giúp người đứng đầu biết phải làm gì, làm ra sao và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát

Theo Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội), liên quan đến trách nhiệm về công tác phòng cháy chữa cháy đối với các hộ gia đình để nghị cần quy định rõ con người cụ thể nếu để xảy ra cháy nổ phải đền bù, ngoài trách nhiệm bồi hoàn còn phải chịu xử phạt vi phạm hành chính

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) băn khoăn về quy định bắt buộc trang thiết bị phòng, chống tại gia đình, đặc biệt là các bình khí CO2 theo thời hạn định kỳ 12 tháng thay bình mới, 6 tháng kiểm tra đối với bình nạp vì chi phí cho khoản này không nhỏ; hơn nữa, quy định này chỉ phù hợp với các gia đình sống ở tập trung ở khu dân cư nhà cao tầng chưa phù hợp với nông thôn.

Bà Dung cho biết, thực tế hiện nay chỉ có 5% số gia đình thực hiện quy định này, theo quy định nơi dân cư sinh sống .

Ngoài ra, về công tác xã hội hoá phòng, chống cháy nổ, nhiều đại biểu cũng thống nhất với quy định này. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm do kinh doanh dịch vụ phòng, chống cháy nổ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên người đứng đầu phải có trình độ chuyên môn phù hợp.

Quỳnh Hoa