In bài viết

Chính phủ sẽ ban hành 49 nghị định điều kiện kinh doanh trước 1/7

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết yêu cầu tất cả các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016 và các Bộ trưởng đều cam kết sẽ thực hiện được yêu cầu này.

03/06/2016 11:40
Theo yêu cầu của Thủ tướng, tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về công tác xây dựng thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội. Trong đó, nổi lên vấn đề xây dựng, ban hành các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, cần ban hành tổng cộng 49 nghị định về vấn đề này. Tính tới ngày 31/5, các bộ đã trình Chính phủ 35 nghị định, chưa trình 14 nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo.

Báo cáo của VPCP cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ. Cụ thể, Bộ Y tế chưa trình 4 dự thảo, Bộ Tài chính chưa trình 3 dự thảo, Bộ KH&CN và Bộ VHTTDL đều chưa trình 2 dự thảo, các Bộ Công an, Quốc phòng, TT&TT đều chưa trình 1 dự thảo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp 38 thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư.

Chính phủ sẽ họp chuyên đề về điều kiện kinh doanh

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau ngày 1/7, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”.

Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng các văn bản này, bằng các giải pháp như các bộ trực tiếp làm việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Sau khi ban hành, những điểm nào không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi kịp thời.

VPCP và Bộ Tư pháp phải thường xuyên đôn đốc, báo cáo Thủ tướng, trực tiếp kiểm tra, trực tiếp làm việc với các tổ biên tập, ban soạn thảo để giải quyết từng vướng mắc.

Cùng với việc bảo đảm tiến độ, các bộ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.

Thủ tướng chỉ rõ, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, người dân và doanh nghiệp đọc là hiểu ngay, đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, theo tinh thần hậu kiểm là chính, tăng cường giao dịch qua môi trường mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Thủ tướng tiếp tục nhắc lại những quan điểm này khi cho ý kiến về các dự thảo văn bản có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, như các dự thảo Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Giống cây trồng.

Thủ tướng đồng ý tổ chức một phiên họp chuyên đề của Chính phủ để thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh mà Chính phủ sẽ ban hành trước 1/7.

Tránh nâng cấp cơ học

Phát biểu về vấn đề này, các Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới vấn đề chất lượng của các dự thảo nghị định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong thời gian này, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành trực tiếp làm việc, trao đổi về từng từng điểm, từng nội dung còn thấy vướng mắc, bất hợp lý.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, do thời gian gấp, các dự thảo được xây dựng, ban hành theo quy trình rút gọn, nên có thể có một số nội dung không phù hợp với thực tiễn. Do đó, từ nay cho đến khi văn bản được chính thức ban hành, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT cần tiếp tục rà soát, các bộ tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng tác động về những điểm chưa phù hợp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tránh tình trạng chỉ “nâng cấp” một cách cơ học từ thông tư lên nghị định. Với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trực tiếp làm việc với các bộ, với những vấn đề lớn liên quan đến quan điểm thì lãnh đạo Chính phủ sẽ trực tiếp làm việc với các Bộ để giải quyết. “Như thế có thể giải quyết rất nhanh những vấn đề mà theo trình tự thông thường thì phải mất đến hàng quý”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng quan điểm nói trên, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đặc biệt lưu ý, phần lớn các dự thảo Nghị định về  điều kiện kinh doanh mới chỉ “nâng cấp” một cách cơ học từ cấp thông tư, mà chưa bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp, không cần thiết, chưa làm rõ những điều kiện còn chưa cụ thể, rõ ràng, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Theo Bộ trưởng, sau thời điểm 1/7, phải tiếp tục rà soát lại các điều kiện kinh doanh theo tinh thần của Chính phủ.

Chuyển động từ các bộ

Tại phiên họp, các Bộ trưởng đều cam kết trong một vài ngày tới, các bộ về cơ bản sẽ trình Chính phủ đầy đủ các dự thảo văn bản, đặc biệt là các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư - mà theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải được ban hành trong tháng 6 để kịp thời có hiệu lực từ 1/7/2016 theo yêu cầu luật định.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán sẽ được Bộ Tư pháp thẩm định trong ngày 2/6, còn Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hải quan sẽ được thẩm định ngay trong ngày 1/6, sau đó sẽ được trình Chính phủ. Trong khi đó, các dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm đã được thẩm định và sẽ sớm được trình Chính phủ trong vài ngày tới.

Cám ơn Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp rất chặt chẽ từ đó giúp “tăng tốc” tiến độ xây dựng các dự thảo văn bản, lãnh đạo nhiều Bộ cũng đề nghị bên cạnh việc bảo đảm tiến độ, còn phải bảo đảm chất lượng các văn bản để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ có 18 thông tư quy định về điều kinh doanh, đã bãi bỏ 14 thông tư không còn phù hợp, nâng cấp 4 thông tư thành 2 dự thảo nghị định, cho tới ngày 31/5 đều đã trình Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong các cuộc giao ban của lãnh đạo Bộ, thì vấn đề đầu tiên được đề cập là xây dựng pháp luật và cải cách hành chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận năng lực xây dựng pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức nói chung còn yếu, “mong Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tiếp tục hỗ trợ quyết liệt trong lĩnh vực này”.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết ngay trong ngày 1/6 sẽ trình Chính phủ 3 dự thảo nghị định, đồng thời khẳng định đã rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Hà Chính