In bài viết

Chính phủ thảo luận kỹ 2 luật hỗ trợ doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 đang diễn ra, trong phần nội dung về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận rất kỹ 2 dự án luật đang rất được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi.

30/08/2016 19:23
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sửa 12 luật: Mở rộng quyền thành lập doanh nghiệp?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh dự kiến sửa đổi 12 luật gồm: Đầu tư, Kinh doanh, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Điện ảnh, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị.

Cầm trên tay bản sơ đồ cho thấy các dự án có sử dụng đất không qua đấu giá, đầu thầu cũng phải trải qua quy trình hàng chục thủ tục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc coi đây là một ví dụ cho thấy yêu cầu cấp bách sửa luật. “Dự án sử dụng đất không qua đấu giá, đấu thầu mà quy trình dài thế này thì doanh nghiệp biết làm thế nào? Tôi đề nghị phải sớm đưa dự án luật trình Quốc hội để sửa đổi”, ông nói.

Những nội dung đáng chú ý trong dự án Luật là việc bãi bỏ 50 ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Về ưu đãi đầu tư, thay vì chỉ bảo đảm ưu đãi đầu tư như hiện nay, Nhà nước sẽ bảo đảm không hồi tố những thay đổi trong trường hợp ảnh hưởng bất lợi đến nhà đầu tư so với quy định trước đó. Với Luật Nhà ở, sẽ bãi bỏ Điều 171 về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, để thống nhất với Luật Đầu tư…

Một nội dung khác rất đáng chú ý là quy định thống nhất việc đăng ký thành lập doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Hiện, theo quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp thì việc thành lập doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm không thực hiện theo thủ tục tại Luật Doanh nghiệp mà phải thực hiện thủ tục xin phép tại cơ quan quản lý chuyên ngành.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Loại thứ nhất cho rằng quy định như  Điều 3 hiện nay chưa thật sự bảo đảm tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp. Bởi lẽ cơ quan quản lý chuyên ngành có thể xem xét cho hoặc không cho phép thành lập doanh nghiệp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng nếu sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đặc thù.

Tại phiên họp, hai vấn đề được trao đổi nhiều nhất là về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và việc sửa đổi Điều 3 nói trên.

Được Thủ tướng Chính phủ giao điều hành thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc loại bỏ, bổ sung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, hết sức thận trọng trong việc sửa đổi Điều 3 về đăng ký doanh nghiệp, với mục tiêu vừa bảo đảm quyền tự do kinh doanh, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước.

Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như giảm bớt thủ tục, đầu mối liên quan đến việc cấp phép, phê duyệt các dự án, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự án luật, khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật sớm nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH&ĐT trao đổi kỹ lưỡng với các bộ, các hiệp hội doanh nghiệp để đi tới thống nhất. “Phải khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, quyền anh, quyền tôi, phải công khai minh bạch. Nếu không thì rất khó phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải khả thi

Về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ KH&ĐT đưa ra 4 vấn đề để xin ý kiến Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là quy định về tỉ lệ tín dụng, tỉ lệ mua sắm công và tỉ lệ diện tích đất công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết các quy định này chỉ mang tính chất khuyến khích, không mang tính bắt buộc. Cụ thể, nếu ngân hàng nào dành từ 30% vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, khu công nghiệp nào dành trên 30% đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan nhà nước dành tối thiểu 20% ngân sách hoặc 30% số lượng hợp đồng hằng năm để mua sắm sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các ý kiến đều cho rằng dự án Luật là hết sức cần thiết, nhưng nhiều ý kiến đề nghị xây dựng dự án Luật theo hướng tập trung hỗ trợ một số đối tượng, thay vì dàn trải sẽ khó khả thi. Đồng thời, việc hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần hỗ trợ để 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. “Nên chăng chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ này?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.

Được Thủ tướng Chính phủ giao điều hành thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã triển khai, những nội dung phù hợp, hiệu quả thì đưa vào dự án Luật, khắc phục được những hạn chế như tình trạng hỗ trợ dàn trải, phân tán. Cùng với đó, bổ sung quy định hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thứ ba, có quy định hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại việc xây dựng dự án luật rất cần thiết, nhưng cần bảo đảm một số yêu cầu, đó là hỗ trợ đúng luật, tuân thủ quy luật thị trường,  bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu dự án luật hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện có số lượng rất lớn, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, thì sẽ không đủ khả năng. Do đó, cần giải quyết những việc thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào một số loại hình doanh nghiệp như trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khoa học công nghệ, sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp…

“Dự án luật đã được soạn thảo tâm huyết, trách nhiệm, lấy ý kiến nhiều bên, nhưng tính khả thi chưa cao. Tôi đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục chỉ đạo xây dựng luật bảo đảm các yêu cầu trên”, Thủ tướng chỉ rõ.

Hà Chính