Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95%.
Cụ thể, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%.
Đối với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan này xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.804 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.713 kiến nghị, đạt 95%, trong đó có 1.420 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 134 kiến nghị đã giải quyết xong; 159 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, bộ, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an ninh-trật tự, quốc phòng-an ninh. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.
Các bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Một số bộ, ngành trả lời đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị, được nhiều đoàn ĐBQH đánh giá cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp... Một số bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, tích cực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời. Vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị đang được các bộ, ngành tiếp thu khi nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Ban Dân nguyện cũng nêu lên các kiến nghị, trong đó, đề nghị các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập... và những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm; các đoàn ĐBQH, ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng... để lấy ý kiến đóng góp có chất lượng phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng chính sách, pháp luật.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.