Có thể nói, 3 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển văn hóa là thể chế, chính sách và nguồn lực. Trong những năm qua, pháp luật về quyền tác giả đã phát huy tác dụng tích cực trên các mặt. Pháp luật đã tạo lập môi trường khuyến khích tự do sáng tạo các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo nói chung, trong giới trí thức, văn nghệ sĩ nói riêng.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhìn một cách tổng quát, hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền tác giả hiện nay đã tương đối hoàn thiện nhằm đảm bảo thực thi bảo hộ quyền tác giả, cũng như đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế trên thực tế.
Các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và thực thi các điều ước quốc tế về quyền tác giả; xác lập được hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo; bảo hộ quyền tác giả của những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do lao động của tư duy sáng tạo ra; bảo đảm việc điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội ở lĩnh vực này phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, dự báo được xu thế phát triển trong nước và trên trường quốc tế.
Cụ thể, ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Việt Nam, vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ đã được hình thành ý tưởng và được tiếp tục ghi nhận tại các bản Hiến pháp sau này. Hiến pháp năm 1992 đã có quy định rõ tại Điều 60, đó là: "Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp".
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quyền tác giả. Năm 1994, Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả được ban hành; đến Bộ luật Dân sự năm 2005, các nội dung về quyền tác giả được quy định thành một chương riêng biệt tại Phần thứ sáu, Chương V, từ Điều 745 đến Điều 779 với các quy định tiến bộ và hợp lý hơn về bản quyền. Đồng thời, tại Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các luật, văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đã có các quy định về quyền tác giả.
Đặc biệt, đến năm 2005, trước yêu cầu đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước, Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời với những quy định cụ thể, chuyên biệt về quyền tác giả và quyền liên quan tại Phần thứ hai của Luật, tạo điều kiện cho hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả; từ đó các nguyên tắc cơ bản của việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung đã được hệ thống một cách cụ thể, rõ ràng, khoa học và toàn diện, đồng thời tiếp tục được hoàn thiện qua các lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019 và 2022.
Việc gia nhập vào các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng trở thành xu thế chung của quốc tế. Đối với việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật, có một số các điều ước điều chỉnh với vấn đề này như: Công ước Berne, Hiệp định TRIPs, Hiệp ước quyền tác giả WIPO (WCT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)...
Về cơ bản, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những quy định về quyền tác giả khá tương thích với Công ước Berne, đồng thời đã kịp thời được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp và đáp ứng yêu cầu về việc áp dụng Công ước.
Hiệp định TRIPs (hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/1995 cùng với sự ra đời của WTO. Hiệp định TRIPs có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11/1/2007; Việt Nam trở thành thành viên của WTO vào năm 2007, từ đó Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ hiệp định này ngay sau khi gia nhập.
Hiệp ước WCT (hiệp ước về quyền tác giả của WIPO) được phê chuẩn vào năm 1996 nhằm đáp ứng cho các quy tắc mới về quyền tác giả; hiệp ước là một hiệp định đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả trong môi trường kỹ thuật số.
Việt Nam đã ký văn kiện gia nhập Hiệp ước WCT vào ngày 17/11/2021, trở thành thành viên thứ 111 của WCT. Hiệp ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 17/2/2022.
Như vậy, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, ở hầu hết các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, từ báo chí, xuất bản, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình đến phát thanh, truyền hình... đều tôn trọng các quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả trên tác phẩm, quyền cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm và quyền được hưởng nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác phát sinh từ việc cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Bảo vệ quyền tác giả góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo
Các nền tảng pháp lý, chính sách pháp luật về bản quyền từng bước được xây dựng và hoàn thiện đã ngày càng khẳng định yếu tố then chốt của quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng trong các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò hết sức quan trọng của việc bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ tài sản trí tuệ được kết tinh từ lao động sáng tạo, là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng, bảo vệ quyền tác giả đã góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, giúp tác giả có thêm tâm huyết, chuyên tâm sáng tác và cống hiến để tạo nên những tác phẩm.
Liên quan đến một số lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, có thể thấy hoạt động bảo vệ quyền tác giả trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động sáng tạo, cống hiến, đóng góp cho lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, tạo môi trường tốt cho các tác giả sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật, góp phần quan trọng để triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Ở lĩnh vực âm nhạc và qua thực tế công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc của một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã cho thấy, việc đảm bảo được lợi ích về quyền tài sản luôn góp phần tạo niềm tin và khích lệ sức sáng tạo dồi dào của các tác giả, nhạc sĩ.
Theo thống kê từ VCPMC những năm qua, thông qua phương thức quản lý tập thể quyền, nhiều tác giả thành viên đã có được nguồn thu nhập khá ổn định từ khoản tiền nhuận bút được khai thác từ chính tác phẩm - đứa con tinh thần của mình.
Số tiền bản quyền sử dụng tác phẩm do VCPMC thu được và phân phối, chi trả là nguồn động lực thiết thực đối với các tác giả, giúp tái tạo sức lao động sáng tạo của tác giả để tiếp tục cống hiến cho đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền đã khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu về lợi ích, ảnh hưởng không nhỏ đến động lực sáng tạo.
Trong đó, thực tế thời gian qua vấn nạn vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, sách, hội họa... những thách thức xâm phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng phổ biến.
"Chính vì vậy, chỉ khi chính sách bảo vệ quyền tác giả được thực thi tốt thì mới có thể giảm thiểu tình trạng vi phạm, đồng thời tạo được môi trường hưởng thụ văn hóa lành mạnh, văn minh, giàu tính nhân văn và thượng tôn pháp luật", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định.
Năm 2021, trong công bố toàn cảnh về ngành digital, WeAreSocial và Hootsuite (2 đơn vị toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội) cho biết, tại Việt Nam ước tính hiện có 72 triệu người tham gia, sử dụng mạng xã hội, trong đó người Việt Nam trung bình dành hơn một giờ mỗi ngày để nghe nhạc trên thiết bị di động.
Với số lượng dân số trẻ có đang dần thay đổi thói quen từ nghe nhạc truyền thống sang nghe nhạc sang trực tuyến, cùng với sự phát triển các nền tảng online kết hợp với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tiềm năng của thị trường nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam là rất lớn.
Bảo vệ quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật trên không gian mạng là vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các tác phẩm hay những "đứa con tinh thần", những sáng tạo gắn với cá nhân và quyền lợi càng cần được quan tâm, coi trọng, đặc biệt là đối với một loại tài sản "vô hình".
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, theo thống kê từ VCPMC trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc, việc bảo vệ bản quyền tác giả và khai thác lợi ích từ môi trường số vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vấn đề vi phạm bản quyền trên môi trường số đang là một rào cản của sự phát triển của thị trường âm nhạc trực tuyến và công tác bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số. Đây cũng là những khó khăn và thách thức mà VCPMC đang gặp phải trong việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số.
Tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc trên môi trường internet vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Quyền tác giả trên môi trường internet ngày càng dễ dàng bị xâm phạm vì tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho phép có những ứng dụng, những tiện ích để thực hiện những trao đổi, sao chép, tải về máy cá nhân các nội dung được bảo hộ.
Hiện nay, hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến, ứng dụng nghe nhạc xuất hiện và cho phép đăng tải rất nhiều ca khúc, kể cả những sản phẩm vừa được phát hành của các nghệ sĩ. Trong khi các đơn vị đăng tải nhạc thu lợi khá nhiều tiền quảng cáo, từ chia sẻ doanh thu bởi đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thì các tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ lại gần như không thu được gì.
Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, theo con số liệu thu được thì ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 200 website có tính năng nghe nhạc trực tuyến, con số này chưa tính đến số website sử dụng tên miền quốc tế.
Tuy nhiên, chỉ có số ít các đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tạo hình ảnh rất xấu về thị trường trong nước. Chủ thể quyền bị xâm phạm không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian cho phép người dùng truy cập và đăng tải nội dung nhưng việc kiểm soát bản quyền rất lỏng lẻo gây ra tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan.
Chính vì vậy thời gian qua, VCPMC đã rà soát, phát hiện và sử dụng công cụ xử lý đối với nhiều website, ứng dụng nhạc có nội dung xâm phạm bản quyền, khuyến cáo các đơn vị sử dụng thực hiện nghĩa vụ về bản quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Tình trạng người sử dụng thường xuyên lạm dụng cơ chế thỏa thuận để né tránh xin phép và trả tiền bản quyền (kèm thêm tư duy sử dụng miễn phí) là thách thức không nhỏ.
Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, theo quy định của pháp luật, việc thỏa thuận giữa các bên cần đảm bảo tiêu chí chung là hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo - người sử dụng - công chúng hưởng thụ.
Dẫu vậy, trên thực tế, về phía đơn vị sử dụng tác phẩm, vấn đề bản quyền tác giả còn chưa thực sự được tôn trọng; bên cạnh các đơn vị có ý thức nghiêm túc thực hiện thì vẫn còn nhiều đơn vị thay vì sòng phẳng xin phép và/hoặc trả tiền trước khi sử dụng thì lại viện cớ không đạt thỏa thuận về mức tiền bản quyền để trì hoãn hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ.
Mặc dù quyền thỏa thuận dân sự giữa các bên cần được bảo đảm về mặt nguyên tắc, nhưng trên thực tế thì phía tác giả thường xuyên phải chấp nhận thiệt thòi, yếu thế. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của tác giả, nhạc sĩ, trong khi đó, giới văn nghệ sĩ vốn có tâm hồn khá nhạy cảm.
Vì vậy nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng, việc bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả cần được coi trọng hơn, quan tâm hơn so với những vấn đề dân sự thông thường để tránh tác động không tốt đến yếu tố tâm lý, ảnh hưởng đến sức sáng tạo và chất lượng sáng tạo, giúp các tác giả an tâm và chuyên tâm sáng tác.
Hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả còn thấp, chưa đủ tính răn đe; thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp. Trong khi đó, các hành vi xâm phạm hiện nay xảy ra khá phổ biến, thực hiện với quy mô lớn và thường xuyên dưới hình thức kinh doanh thương mại. Tuy nhiên mức phạt hiện nay không tương ứng được với mức độ vi phạm và thiệt hại mà các đơn vị này gây ra cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Để giúp công tác bảo vệ quyền tác giả được hiệu quả hơn, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số.
Sửa đổi, tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quy định thêm về các hình thức xử phạt bổ sung nhằm tăng tính răn đe, góp phần ngăn ngừa hành vi xâm phạm và hậu quả xảy ra.
Trong mọi trường hợp giới hạn quyền, các quy định của pháp luật cần phải đảm bảo được quyền thỏa thuận công bằng giữa hai bên là chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng, đảm bảo quyền được nhận thù lao xứng đáng của tác giả dù trong bất kỳ điều kiện nào theo đúng tinh thần Công ước Berne.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất để có đủ năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng.
Đối với các luật chuyên ngành có liên quan cũng cần cụ thể hóa trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự với hành vi xâm phạm quyền tác giả trên internet để có cơ sở pháp lý bảo hộ hiệu quả hơn, như: Cần phải bổ sung vào pháp luật hình sự những điều khoản quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số bao gồm cả tác phẩm âm nhạc như cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện, cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử, sản xuất, lắp ráp, biển đổi, phân phối nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê các thiết bị làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật và đặt ra các chế tài tương ứng đối với mỗi hành vi vi phạm này.
Cần phải quy định thêm các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng trong môi trường kỹ thuật số và các văn bản hướng dẫn chi tiết trong việc quy định trách nhiệm của các nhà cung ứng dịch vụ internet, từ đó tạo điều kiện dễ dàng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở để xử lý vi phạm.
Hiện nay, đối với các website và ứng dụng có máy chủ đặt ở nước ngoài, hoặc sử dụng tên miền nước ngoài thì biện pháp khả thi nhất là ngăn chặn truy cập, để thực hiện được điều này thì cần quy trình hết sức phức tạp. Vì vậy, cần thiết có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để việc thực hiện biện pháp này trở nên thuận tiện hơn.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường kỹ thuật số và tăng cường tham gia và đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu về hướng tách Luật Bản quyền tác giả, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, đây là hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và có sự chuẩn bị, đến thời điểm phù hợp và sớm nhất có thể thì tiến hành tách Luật Bản quyền tác giả để ban hành riêng, trở thành luật chuyên ngành độc lập theo thông lệ quốc tế, giúp cho việc triển khai, áp dụng luật được hiệu quả trên thực tế.
Việc soạn thảo, ban hành văn bản hướng dẫn cũng thuận lợi hơn về mặt nội dung chuyên môn, kiến thức chuyên ngành, tiến gần đến chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia các điều ước quốc tế; tăng cường năng lực thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, áp dụng hiệu quả các biện pháp bảo vệ quyền, đặc biệt là phù hợp với xu thế cần thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ (hiện nay các vụ việc tranh chấp về quyền tác giả đa phần được xếp vào án kinh doanh thương mại, hoặc một số ít được xếp vào án dân sự).
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, chính sách quyền tác giả giữ một vai trò hết sức quan trọng. Môi trường pháp lý nghiêm minh, sẽ thu hút các hoạt động giao lưu văn hóa với khu vực và quốc tế. Điều đó vừa khẳng định lợi thế cạnh tranh lành mạnh của các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa trong nước trước sự xâm nhập ổ ạt của văn hóa ngoại, vừa góp phần kiểm soát được sự sản xuất, lưu thông cũng như xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật kém chất lượng, hay có nội dung phản văn hóa.
Về mặt kinh tế, bảo hộ quyền tác giả là yếu tố quan trọng để bảo vệ và cân bằng lợi ích chính đáng của tác giả, của chủ sở hữu tác phẩm với lợi ích của công chúng và của xã hội. Đặc biệt điều đó cũng khuyến khích sự đầu tư cho các ngành công nghiệp bản quyền về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, mang lại lợi ích rất lớn cho các quốc gia như một ngành công nghiệp không khói. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả sẽ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, đem lại sự công bằng trong đãi ngộ thành quả lao động của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác. Đây là "yếu tố nội sinh" đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa thời kỳ mới.
Diệp Anh