![]() |
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Ảnh: Chinhphu.vn |
Có thêm hàng nghìn trẻ em bị tim bẩm sinh mỗi năm
PV: Xin ông cho biết về tình hình trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở nước ta hiện nay và những chính sách của nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ đối tượng này trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Trọng An: Hiện chưa có số liệu chính xác về tần suất mắc bệnh tim bẩm sinh trong cộng đồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, đến tháng 10/2010 cả nước có 12.783 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trong đó đã phẫu thuật được 4.011 em, số còn lại cần phẫu thuật khoảng 8.772 em và hàng năm có thêm hàng nghìn em bị bệnh tim bẩm sinh phát sinh mới.
Trong số trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có tới 32% là trẻ em dưới 6 tuổi, 51% là con các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo và trong độ tuổi từ 6-15 tuổi, hầu hết cha mẹ của số trẻ em này không có điều kiện về tài chính để phẫu thuật tim cho con em họ và đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng và nhà nước.
Thời gian qua, nhà nước đã có chính sách trợ giúp 100% chi phí phẫu thuật cho trẻ em dưới 6 tuổi và trẻ em trên 6 tuổi nếu có thẻ bảo hiểm y tế học sinh sẽ được Quỹ bảo hiểm chi trả 80%.
Ở nước ta cũng đã có một số Quỹ và các chương trình từ thiện vận động hỗ trợ tài chính cho việc phẫu thuật trẻ em bị tim bẩm sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một chính sách cụ thể, đặc thù cho việc hỗ trợ khám và phẫu thuật cho trẻ em bị tim bẩm sinh.
PV: Những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh rất cần được phẫu thuật tim kịp thời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ được phẫu thuật “kịp thời” hiện cũng còn hạn chế, vậy theo ông đó là do những nguyên nhân nào?
Các trung tâm phẫu thuật tim đều quá tải
Ông Nguyễn Trọng An: Như trên tôi đã nêu, tính đến cuối năm 2010, số trẻ em mắc tim bẩm sinh còn lại cần phẫu thuật khoảng 8.772 em và hàng năm có thêm hàng nghìn em bị bệnh tim bẩm sinh phát sinh mới.
Tuy nhiên, mỗi năm trung bình cả nước phẫu thuật được 500-800 trường hợp, như vậy số lượng bệnh nhân phải chờ được phẫu thuật rất lớn.
Với tốc độ như trên, để đảm bảo phẫu thuật được hết số trẻ em bị tim bẩm sinh còn lại của năm 2009 và số trẻ bị tim bẩm sinh mới phát sinh năm 2010 thì phải mất 7 năm nữa. Như vậy với lượng thời gian này nhiều trẻ không thể còn sống để chờ được đến lượt mình được phẫu thuật.
Có một số nguyên nhân của sự chậm trễ, chưa kịp thời này mà chúng ta đều biết. Trước hết, đó là chi phí cho một ca điều trị bệnh tim bẩm sinh thấp nhất khoảng 15-20 triệu đồng và cao nhất khoảng 70-80 triệu đồng tùy theo tổn thương ở tim, chi phí trung bình cho một ca điều trị bệnh tim bẩm sinh hiện nay là khoảng 35-40 triệu đồng.
Mặc dù nhà nước đã có chính sách trợ giúp 100% chi phí phẫu thuật cho trẻ em dưới 6 tuổi và trẻ em trên 6 tuổi nếu có thẻ bảo hiểm y tế học sinh sẽ được Quỹ bảo hiểm chi trả 80%, nhưng còn rất nhiều gia đình do hoàn cảnh nghèo không đủ tiền để chi trả cho cuộc phẫu thuật của trẻ. Cộng thêm các chi phí cho đi lại, sinh hoạt phí, khi đưa trẻ đi phẫu thuật. Vì vậy nhiều trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh không được điều trị kịp thời.
Tiếp đến là sự thiếu hụt về đội ngũ Bác sĩ phẫu thuật có trình độ và cơ sở phẫu thuật đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, theo thống kê, năm 2010, nước ta đang thiếu nhiều phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê hồi sức chuyên ngành tim mạch nói chung và tim bẩm sinh nói riêng. Đồng thời Trung tâm phẫu thuật tim cũng chưa đủ đáp ứng.
Hiện nay, cả nước chỉ có 5 trung tâm có thể phẫu thuật được tim cho trẻ sơ sinh. Trang thiết bị chuyên dụng phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh còn thiếu, chủ yếu là các dụng cụ này đắt tiền, bệnh viện không có kinh phí để mua; phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê hồi sức chuyên ngành tim mạch nói chung và phẫu thuật tim bẩm sinh nói riêng cũng thiếu.
Do các khó khăn trên nên hiện nay tất cả các trung tâm phẫu thuật tim mạch đều trong tình trạng quá tải và số trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật quá thấp so với nhu cầu.
Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim và các chi phí liên quan
PV: Vậy, xin ông cho biết các chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đang tiếp tục hoàn thiện và triển khai theo hướng nào?
Ông Nguyễn Trọng An: Trước thực trạng trên, để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ cho trẻ em bị tim bẩm sinh cần phẫu thuật, đảm bảo quyền sống còn và phát triển của trẻ em, trong năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng xây dựng Đề án hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em, sẽ trình Thủ tướng chính phủ trong quý I/2012.
Nội dung của Đề án được chi tiết sự hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng trẻ sinh em bị tim bẩm sinh, cụ thể:
Nhóm 1 là trẻ em dưới 6 tuổi Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, phẫu thuật tim.
Nhóm 2 là trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo, Bảo hiểm y tế sẽ chi trả 95% chi phí (nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiếu cho 1 lần khám, phẫu thuật), phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả.
Nhóm 3 là trẻ em từ 6 đến 16 tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Bảo hiểm y tế chi trả 95% chi phí (nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiếu cho 1 lần khám, phẫu thuật), phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả.
Nhóm 4 là trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo:
Nhóm có thẻ bảo hiểm y tế được Bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí (nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiếu cho 1 lần khám, phẫu thuật), phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả.
Nhóm không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ 50% từ ngân sách nhà nước, phần còn lại do gia đình bệnh nhân chi trả.
PV: Như ông vừa nêu, ngoài chi phí phẫu thuật tim, các chi phí khác như việc đi lại, sinh hoạt phí khi đưa trẻ đi phẫu thuật cũng đang là một vấn đề nhất là với những gia đình bệnh nhân nghèo. Xin ông cho biết, chính sách có tính đến việc hỗ trợ thêm các chi phí này không?
Ông Nguyễn Trọng An: Về vấn đề này, ngoài ra còn có hỗ trợ thêm ngoài chi phí khám, phẫu thuật.
Ví dụ như đối với trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ 1 lần chi phí ăn, ở, đi lại là 5.000.000 đồng/người/lần.
Đối với những địa phương có điều kiện có thể xem xét, hỗ trợ thêm người nhà đi cùng chăm sóc người bệnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Thơm - Thanh Hoài thực hiện
Tin liên quan:
Đề xuất chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh