In bài viết

Chính sách kinh tế cần hướng tới mục tiêu ổn định vĩ mô

(Chinhphu.vn) - Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2016 diễn ra chiều 12/4, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị cần duy trì các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, thay vì nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay từ đầu.

12/04/2016 19:30

Cơ sở để VEPR khuyến nghị là vấn đề lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016, khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, giá hàng hóa thế giới phục hồi, khiến sức ép lạm phát tăng lên dù chưa rõ rệt. Do đó, ngành ngân hàng cũng cần kiểm soát cung tiền, tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp.

VEPR cũng cho rằng, dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016. Tuy vậy, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên thì sẽ không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc hội đặt ra.

Việc chống đô la hóa kinh tế là chủ trương đúng và từng bước loại USD khỏi hệ thống lưu thông và tín dụng. Tuy nhiên, vẫn cần phải có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế, thông qua một thị trường mua, bán ngoại tệ hiệu quả.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Cập nhật về kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

Dù vậy, báo cáo của WB cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6,2% trong năm 2016 và 6,3% trong cả 2 năm tới, trong khi lạm phát sẽ ở mức khoảng 3,5%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những tác động của lĩnh vực nông nghiệp do tác động của thiên tai như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long... và do tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Báo cáo WB cũng khuyến nghị tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững; khuyến nghị tăng cường kỷ cương thị trường trong ngành tài chính, chuyển hướng chi công từ chi hạ tầng sang các ngành dịch vụ như giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và hướng tới bảo vệ môi trường.

Đổi mới và cải cách là đường lối đúng đắn, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được khẳng định trong nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt trong thời gian gần đây, việc này ngày càng được lượng hóa một cách cụ thể hơn.

Chính phủ trong thời gian qua đã có hai Nghị quyết 19 lượng hóa các yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam phải ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36, đặt thêm nhiều điều luật mới nhằm củng cố quá trình quản lý rủi ro trong hoạt động cho vay. Việc kiềm chế cho vay bất động sản và tập trung vào chất lượng tín dụng giúp ngăn chặn những rủi ro mới trong ngành ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng HSBC ủng hộ phương thức thận trọng này của NHNN. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2016, đã đề nghị toàn ngành tài chính cùng các bộ, ngành và địa phương triệt để tiết kiệm, giảm thiểu công tác ở nước ngoài, hội nghị, hội thảo, mua sắm xe công… Đặc biệt, các địa phương phải siết lại kỷ luật chi tiêu trước tình trạng nhiều tỉnh, thành còn buông lỏng để nợ đọng nhiều, chi tiêu vượt định mức, giới hạn.

Anh Minh