Các chính sách mới giúp cho học sinh nghèo, học sinh ở những vùng kinh tế khó khăn có thêm điều kiện đến trường |
Từ năm 2010 đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, Quyết định 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các chính sách nêu trên đã giúp cho học sinh nghèo, học sinh ở những vùng kinh tế khó khăn có thêm điều kiện đến trường, an tâm học tập, góp phần hạn chế được tình trạng học sinh phổ thông bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách tại địa phương đã nảy sinh một số bất cập, chồng chéo… Do vậy, việc tích hợp các chính sách, đồng thời bổ sung một số nội dung mới vào Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn là cần thiết, tạo sự thống nhất, đồng bộ và bảo đảm được hiệu quả trong thực tiễn.
Bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách
Nghị định số 116/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối tượng được hưởng là học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, không để là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì hiện nay danh sách xã khu vực I, II, III đã được Ủy ban Dân tộc quy định cụ thể. Các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc xác định địa bàn để học sinh được hưởng chính sách.
Nếu theo các quy định trước đây, học sinh học tại trường phổ thông bán trú nhưng không phải là học sinh bán trú thì không được hỗ trợ tiền ăn tuy nhiên lại được hỗ trợ gạo. Học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở nhưng không được hỗ trợ gạo.
Đồng thời, đối tượng cư trú tại xã khu vực III nhưng học tại xã khu vực II (do đặc điểm địa bàn cư trú gần các trường ở khu vực II hơn) không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ, trong khi thực tế các đối tượng này rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để có điều kiện đến trường.
Để khắc phục các bất cập nêu trên, Nghị định đã quy định rõ về điều kiện của các đối tượng thụ hưởng và mức hỗ trợ. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi mà nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn; giảm thiểu thủ tục hành chính trong việc thực hiện chính sách cho người được thụ hưởng.
Thêm trường được hỗ trợ khi tổ chức nấu ăn cho học sinh
Thực tế hiện nay số học sinh học bán trú tại các trường phổ thông không phải trường bán trú là 350.000 học sinh tại khoảng trên 500 trường phổ thông trong cả nước. Rất nhiều trường phổ thông có số lượng học sinh học bán trú ăn bán trú tại trường với số lượng trên 500 học sinh nhưng trường phổ thông đó không phải là trường bán trú theo quy định do đó không được hưởng các chính sách hỗ trợ dành cho các trường bán trú. Khi tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, nhà trường đã phải tìm cách tự trang trải rất nhiều khoản chi phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí thuê, khoán nhân viên bán trú.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường đã thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg trong những năm qua, Nghị định đã bổ sung quy định, các trường phổ thông có tổ chức nấu ăn cho học sinh mà không phải là trường bán trú sẽ được hỗ trợ các khoản kinh phí đầu tư giống như trường bán trú, tùy thuộc vào nguồn ngân sách địa phương hoặc từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là điểm mới quan trọng trong chính sách, hỗ trợ kinh phí.
Nghị định cũng bổ sung chính sách cho các trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú trong trường được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 5 lần định mức nêu trên/tháng và không quá 9 tháng/năm.
Giảm thiểu thủ tục hành chính
Theo quy định cũ, các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo các quyết định khác nhau thì cùng một lúc phải làm nhiều bộ hồ sơ và nộp tại cùng một địa điểm để nhận chính sách hỗ trợ. Thực tế này đã gây khó khăn cho các đối tượng hưởng chính sách (một bộ hồ sơ nhận tiền hỗ trợ, một bộ hồ sơ nhận gạo hỗ trợ).
Việc quy định hồ sơ còn rườm rà, chưa phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc (bản sao sổ hộ khẩu, bản sao giấy khai sinh, đơn xin hưởng chính sách).
Mặc dù cùng chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh (Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg) nhưng quy định về hồ sơ, thủ tục cấp phát không thống nhất.
Do vậy, theo Nghị định mới, thay vì phải làm nhiều hồ sơ, mỗi đối tượng nộp một bộ hồ sơ (đơn theo mẫu và bản sao sổ hộ khẩu) cho một lần đầu khi đề nghị xét cấp trong cùng một trường. Trường hợp thuộc hộ nghèo, nộp bổ sung giấy tờ chứng minh là hộ nghèo theo từng năm học.
Học sinh thuộc đối tượng hưởng nhiều chính sách cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.
Đối với Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg thực hiện chính sách hỗ trợ gạo còn một số bất cập như, thời gian cấp phát muộn, khi học sinh nhập học chưa được cấp nên nhà trường phải tìm nguồn để tạm ứng nấu ăn cho học sinh; việc cấp dồn các tháng dẫn đến lượng gạo nhận 1 lần vào cuối học kỳ là quá nhiều đối với những trường tổ chức nấu ăn cho học sinh, không có kho chứa nên khó khăn trong việc bảo quản; nhiều địa phương giao gạo tại khu vực xa trường, nhà trường phải tự lo kinh phí để thuê vận chuyển, bốc vác, gây khó khăn cho nhà trường trong việc tìm nguồn kinh phí thực hiện.
Nghị định mới đã có sự điều chỉnh phương thức vận chuyển, giao nhận gạo. Theo đó, các đơn vị dự trữ quốc gia tự tổ chức vận chuyển gạo hỗ trợ và giao cho đơn vị tiếp nhận của tỉnh. Đơn vị tiếp nhận của tỉnh tổ chức vận chuyển gạo đến các trường học, cấp phát cho các đối tượng được hỗ trợ. Thời gian giao nhận gạo cụ thể thực hiện theo đề nghị của UBND cấp tỉnh nhưng không quá 2 lần/học kỳ.
Bùi Tiến Dũng
Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GDĐT