Đối tượng vay vốn đi xuất khẩu lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định hiện hành.
Còn người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Mức vay vốn đi xuất khẩu lao động đối với hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các đối tượng còn lại được vay theo quy định hiện hành của NHCSXH.
Về cho vay ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm, theo Nghị định, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh không còn đối tượng là Chủ trang trại, Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội. Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi, bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo.
Cơ sở sản xuất kinh doanh đồng thời sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; dân tộc thiểu số; người khuyết tật và người dân tộc thiểu số được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được hưởng mức lãi suất vay vốn ưu đãi bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, tương đương 3,3%/năm. (Lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay đang áp dụng là 6,6%/năm).
Thời hạn cho vay đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm tối đa là 60 tháng thay vì quy định theo từng nhóm dự án như trước, thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng và đối tượng vay vốn thỏa thuận.
Về mức vay vốn, Nghị định đã nâng mức vay vốn tối đa từ 500 triệu đồng/01 dự án lên 01 tỷ đồng/01 dự án và không quá 50 triệu đồng/01 người lao động được tạo việc làm (trước đây không quá 20 triệu đồng/01 việc làm mới). Việc sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm nhằm tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thay vì nhằm thu hút tạo việc làm mới như trước đây. Điều này tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trong cả nước có thể tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ưu đãi.