In bài viết

Chính sách thuế cần lộ trình hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

(Chinhphu.vn) - Trước áp lực tăng trưởng và những tác động đa chiều từ thị trường quốc tế, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã trao đổi về các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó và duy trì đà phục hồi bền vững cũng như gợi mở nhiều kiến nghị chính sách thuế hài hòa.

22/04/2025 17:58
Chính sách thuế cần lộ trình hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”

Đây là các ý kiến được trao đổi tại tại Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt" do Báo Nhân dân phối hợp tổ chức ngày 22/4.

Thách thức kép từ diễn biến kinh tế trong và ngoài nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế xã hội quý I/2025 của nước ta tiếp tục duy trì xu hướng tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 6,93% so cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Có thể nói, đây là thành quả ban đầu của những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần trong nền kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Minh cũng cho rằng, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu phấn đấu như kịch bản điều hành đã được Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới của đất nước, hướng tới khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.

Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Ở trong nước, cộng đồng DN vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp DN phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách.

"Đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế", đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp DN phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025, với mục tiêu quan định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất, lộ trình tăng thuế…, những nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ DN sản xuất, kinh doanh đến phân phối, dịch vụ.

Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bia rượu vốn đang gặp nhiều khó khăn sau dịch.

Chính sách thuế cần lộ trình hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: DN Việt đang... thiếu và khát vốn. Ông Thiên cũng đưa ra các con số cho thấy động lực tăng trưởng bên trong của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng.

Từ thực trạng kể trên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Tới đây, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Việt Nam cần xem xét cơ sở để "đảo ngược động lực tăng trưởng"; trong đó, cần đặt ra cách tiếp cận "khác thường", đặt vai trò của khối DN Việt Nam vào vị trí trung tâm của động lực phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Tới đây, Việt Nam cần phải thay đổi cấu trúc phát triển để có thể bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số một cách bền vững; trong đó DN Việt Nam phải "trở thành chủ lực đích thực của phát triển kinh tế".

"Đây là vấn đề then chốt và sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn; đòi hỏi chúng ta phải dồn lực đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân. Phải coi DN như một thứ tài sản quý của quốc gia", ông Trần Đình Thiên khẳng định.

Nuôi dưỡng nguồn thu phải đi liền với kích cầu tiêu dùng

TS Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia tư vấn chính sách thuế cho rằng: Các giải pháp thuế trong thời gian tới phải tiếp tục đóng vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đã hỗ trợ nhiều nhóm hàng hóa, tuy nhiên lại không áp dụng cho hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia và thuốc lá.

Bởi vậy, TS Nguyễn Văn Phụng đề xuất trước tiên nên mở rộng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với cả các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm bảo đảm tính công bằng, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất.

Chính sách thuế cần lộ trình hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 3.

TS Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia tư vấn chính sách thuế - Ảnh: VGP/HT

Ngoài ra, chuyên gia này cũng đưa ra đề xuất sửa đổi toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân và thu nhập DN. Theo đó, các chính sách mới cần đảm bảo phù hợp với bối cảnh phục hồi hiện tại, vừa hỗ trợ người dân, vừa bảo đảm nguồn thu bền vững.

Đặc biệt, TS Nguyễn Văn Phụng lưu ý rằng các phương án tăng thuế trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được đánh giá kỹ lưỡng. Nếu lựa chọn giữa các phương án, nên ưu tiên phương án 1 là có mức tăng hợp lý hơn, tránh gây "sốc" tới thị trường và chuỗi sản xuất ngành đồ uống.

Từ góc độ lập pháp, ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khẳng định, chính sách thuế cần phải hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong khi đó, theo ông, tác động tiêu cực tới ngành rượu, bia và nước giải khát trong thời gian qua là rất rõ rệt.

"Trẻ em béo phì không phải do nước ngọt có đường mà còn do nhiều nguyên nhân khác như đồ ăn nhanh, trà sữa, thiếu vận động…", ông Phan Văn Hòa nói. Vì vậy, việc đánh thuế nước ngọt cần được nghiên cứu thêm, tránh tạo ra gánh nặng không cần thiết cho DN và người tiêu dùng.

Chính sách thuế cần lộ trình hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 4.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia - Ảnh: VGP/HT

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, nhưng nếu thiết kế không hợp lý sẽ gây tác dụng ngược, khiến thị trường đồ uống chính ngạch suy giảm, làm gia tăng hàng lậu, hàng trôi nổi và thất thu ngân sách.

Tăng thuế có thể đem lại hiệu quả ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại có nguy cơ làm giảm sản lượng, giảm giá trị tăng thêm, kéo theo giảm thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, dẫn đến tổng hòa lợi ích giảm sút.

Các nghiên cứu cho thấy nếu tăng thuế quá mạnh và quá nhanh, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành, việc làm, an sinh xã hội và các ngành phụ trợ như bao bì, vận tải, du lịch…

Nhấn mạnh quan điểm, lộ trình tăng thuế cần hợp lý và có cơ sở khoa học, bà Phan Minh Thủy, đại diện Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng: Lộ trình tăng thuế nên thực hiện từ năm 2028, tăng dần mỗi 2 năm 5% để DN có thời gian thích nghi, đầu tư công nghệ mới, thay đổi chiến lược kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam phân tích, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc gia tăng sắc thuế có thể là một rủi ro, chính sách thuế trong giai đoạn này phải đóng vai trò "khoan sức dân, khoan sức DN", thay vì siết chặt quá nhanh.

Đặc biệt, TS Bình dẫn chứng rằng rượu bia "cỏ" hiện chiếm tới 63% thị trường, một con số cho thấy nguy cơ nếu chính sách thuế không được điều chỉnh phù hợp.

Điều quan trọng là phải kiểm soát hàng lậu và hỗ trợ DN đổi mới sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo tăng trưởng GDP, bảo vệ sinh kế hàng triệu người lao động trong ngành đồ uống và các ngành liên quan.

Anh Minh