In bài viết

Chính sách ưu đãi tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Thị Nương là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong việc trồng dược liệu quý trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà được biết có quy định mới về hỗ trợ cho vay phát triển vùng trồng dược liệu quý.Vậy, bà có thuộc đối tượng được cho vay không? Nếu có sẽ được cho vay bao nhiêu và mức lãi suất như thế nào?

01/12/2022 17:11
Chính sách ưu đãi tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Mức cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị tối đa là 2 tỷ đồng/khách hàng

Quy định vay phát triển vùng trồng dược liệu quý

Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định về cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý như sau:

- Đối tượng vay vốn: Đối tượng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở sản xuất kinh doanh) hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý (sau đây gọi là Dự án vùng trồng dược liệu quý), Dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi là Dự án trung tâm nhân giống) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Được thành lập, hoạt động hợp pháp, có phương án đầu tư và sử dụng vốn vay để tham gia Dự án vùng trồng dược liệu quý, Dự án trung tâm nhân giống được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Được Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thẩm định phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

- Mục đích sử dụng vốn vay: Khách hàng vay vốn để thực hiện Dự án vùng trồng dược liệu quý, Dự án Trung tâm nhân giống được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Mức cho vay:

+ Tổng mức cho vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng đối với Dự án vùng trồng dược liệu quý, không vượt quá 92 tỷ đồng đối với Dự án trung tâm nhân giống.

+ Mức cho vay đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Dự án trung tâm nhân giống và Dự án vùng trồng dược liệu quý do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định cho vay căn cứ phương án sử dụng vốn và quyết định phê duyệt thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền, nhưng không vượt quá 45% mức đầu tư của cơ sở sản xuất kinh doanh khi tham gia vào dự án.

- Thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa là 10 năm.

- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay 3,96%/năm; Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Quy định về cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Điều 32, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36 Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định về cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị như sau:

- Đối tượng vay vốn bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo; Doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

- Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Đối với hộ nghèo, cận nghèo: Hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng điều kiện vay vốn theo chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đang triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội, có tên trong danh sách thành viên tham gia chuỗi giá trị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay.

+ Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: Được thành lập, hoạt động hợp pháp, có phương án sử dụng vốn vay để tham gia chuỗi giá trị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận tham gia vào chuỗi giá trị; Được Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thẩm định phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

- Mục đích sử dụng vốn vay: Khách hàng vay vốn để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị.

- Mức cho vay, thời hạn cho vay:

+ Mức cho vay, thời hạn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia chuỗi giá trị theo Nghị định này áp dụng theo quy định hiện hành về chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

+ Mức cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị tối đa là 2 tỷ đồng/khách hàng, Thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.

- Lãi suất cho vay:

+ Lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tham gia chuỗi giá trị theo Nghị định này bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.

+ Lãi suất cho vay hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị theo Nghị định này bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ.

+ Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Điều 38 Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền chính sách, tổ chức, triển khai theo quy định tại Nghị định này; Phê duyệt dự án dược liệu quý và danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo quy định tại Chương II, Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI Nghị định này; Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi chính sách.

Như vậy, theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, đối tượng được vay vốn cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã theo quy định. Đây là những chính sách ưu đãi nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội.

Thu Hằng