In bài viết

Chính sách ưu đãi với xã đặc biệt khó khăn sau khi sáp nhập

(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của ông Bùi Đức Thuận, tháng 1/2020 xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã: Xuân Phong, Đông Phong, Tân Phong. Trong đó, Xuân Phong là xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020; xã Đông Phong, Tân Phong liền kề với xã Xuân Phong, có diện tích và dân số nhỏ.

28/11/2021 08:02

Căn cứ Khoản 8 Mục III kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp được áp dụng chính sách đặc thù cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp. Thời hạn được hưởng chính sách đặc thù kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành cho đến hết ngày 31/12/2021.

Nhưng sau khi hợp nhất, cán bộ, công chức thuộc xã Xuân Phong thôi hưởng chế độ chính sách hỗ trợ từ tháng 2/2020.

Đến ngày 12/1/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP sửa đổi bổ sung Khoản 8 Mục III thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019. Theo đó, Sở Tài chính tỉnh có Công văn số 199/STC-TCKH và UBND huyện Cao Phong có Văn bản số 119/UBND-TCKH về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP như sau:

Chỉ thực hiện chi trả chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các đối tượng xã Xuân Phong cũ, nhưng đến nay không được giải quyết chế độ chính sách (từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2021). Lý do chi trả như vậy là vì cán bộ, công chức công tác thuộc vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trụ sở làm việc không ở địa bàn xã Xuân Phong cũ).

Theo ý kiến của ông Thuận, trả lời như vậy là không thoả đáng. Cán bộ, công chức xã Xuân Phong cũ không chuyển công tác ra khỏi đơn vị hành chính khác mà là hợp nhất đơn vị hành chính. Một số cán bộ, công chức chưa được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ hết thời gian quy định là 5 năm. Một số cán bộ công chức không được hưởng phụ cấp khu vực III theo quy định.

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xã Hợp Phong là khu vực III. Cán bộ, công chức xã Hợp Phong đã được hưởng theo quy định từ tháng 6/2021, nhưng cán bộ công chức thuộc xã Xuân Phong cũ không được giải quyết chế độ từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2021 (15 tháng).

Ông Thuận hỏi, như vậy có đúng không? Nếu cán bộ, công chức thuộc xã Xuân Phong cũ thôi hưởng chế độ ưu đãi, hỗ trợ theo quy định giai đoạn 2016-2020 thì có được hưởng chế độ ưu đãi lại từ đầu theo Quyết định số 861/QĐ-TTg không?

Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này như sau:

Ngày 12/1/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Mục III thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019, trong đó, Điều 1 Nghị quyết này quy định như sau:

“8. Các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn sau khi sáp nhập thực hiện theo nguyên tắc dự toán đối với từng Bộ, cơ quan Trung ương, từng địa phương không thay đổi, cụ thể như sau:

a) Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn huyện nghèo trước khi sáp nhập.

b) Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn trước khi sáp nhập, gồm: Đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực III, khu vực II hoặc khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 sáp nhập với nhau thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ như thời điểm trước khi sáp nhập cho đến khi cấp thẩm quyền quyết định sửa đổi, thay thế.

Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm trường hợp thôn của xã này nhập vào thôn của xã khác): Chỉ thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đối với địa bàn xã, thôn thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn cũ trước khi sáp nhập; đồng thời thực hiện bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện hỗ trợ đầu tư áp dụng tại địa bàn xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn như thời điểm trước khi sáp nhập.

Xã, thôn khó khăn sáp nhập với xã, thôn khó khăn; xã, thôn đặc biệt khó khăn sáp nhập với xã, thôn đặc biệt khó khăn thực hiện bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện hỗ trợ đầu tư trên cơ sở cộng gộp hai suất đầu tư của xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn như thời điểm trước khi sáp nhập cho xã, thôn mới.

c) Về thực hiện các chính sách khi thay đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn. Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn đổi tên sau khi sáp nhập sẽ sử dụng tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn mới để tổ chức thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị quyết này”.

Chinhphu.vn