Ông Minh cũng muốn biết một trường hợp khác là công chức công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy nay được điều động sang làm Phó Giám đốc một đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh thì có là công chức và được hưởng chế độ phụ cấp công vụ không? Chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển được quy định thế nào?
Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Công chức tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp
Tại Điều 12 Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 2/6/2011 của Bộ Nội vụ quy định công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do các tổ chức đó trả lương và vẫn được xác định là công chức.
Trong quy định này, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp bao gồm các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.
Các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm Chủ tịch chuyên trách, Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng thư ký của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Trung ương, cấp tỉnh.
Công chức tại đơn vị sự nghiệp
Khoản 4, khoản 5 Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 08/2010/TT-BNV quy định những người là công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; UBND cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
- Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Việc giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập phải được xác định bằng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.
Khoản 1 Điều 7, Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 2/6/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn: Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ có người đứng đầu được quy định là công chức thì những người được giao quyền trưởng đơn vị hoặc giao phụ trách đơn vị chưa được xác định là công chức, trừ trường hợp đang là công chức ở các cơ quan khác được điều động về.
Như vậy người đứng đầu đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Cơ quan chuyên môn (Sở, Thanh tra, Văn phòng) thuộc UBND cấp tỉnh; văn phòng và một số ban thuộc tỉnh ủy, thành ủy (gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh) được xác định là công chức. Đối với người là công chức ở các cơ quan khác được điều động về đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh được giao quyền trưởng đơn vị hoặc giao phụ trách đơn vị cũng được xác định công chức. Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh không được xác định là công chức.
Đối với người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước (bao gồm cấp phó của người đứng đầu) trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được xác định là công chức. Việc giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập phải được xác định bằng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.
Chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển
Tại Điều 39 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, quy định chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái như sau: Trường hợp công chức được điều động, luân chuyển đến vị trí công tác khác không phù hợp với ngạch công chức hiện giữ thì phải chuyển ngạch và thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm kể từ ngày có quyết định điều động, luân chuyển.
Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng.
Trường hợp công chức được luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
Công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Minh hỏi, nếu sự việc đúng như ông trình bày, trước đây ông Minh là công chức công tác tại một Ban Đảng, đã được Ban Tổ chức Tỉnh ủy ra quyết định luân chuyển sang đơn vị sự nghiệp công lập công tác một thời gian, đến nay Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục ra quyết định luân chuyển ông Minh sang giữ chức vụ chủ chốt ở tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp cấp tỉnh với cương vị Chủ tịch chuyên trách hoặc Phó Chủ tịch chuyên trách, hoặc Tổng Thư ký của tổ chức đó thì ông được xác định là công chức.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về phụ cấp công vụ, thì công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp là đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ.
Một trường hợp khác mà ông Minh đề cập, một công chức khác công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy, được Ban Tổ chức Tỉnh ủy điều động sang công tác làm Phó giám đốc một đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, nếu đơn vị sự nghiệp này không được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thì người Phó giám đốc đó không được xác định là công chức.
Trường hợp người Phó Giám đốc này giữ vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thì được xác định là công chức. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP, công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp công vụ. Trường hợp người Phó giám đốc này được xác định là công chức cũng không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ.
Chế độ chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển, đề nghị ông Minh đối chiếu theo quy định tại Điều 39 Nghị định 24/2010/NĐ-CP để biết.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.