In bài viết

Chính sách với nhà giáo: Niềm vui và những băn khoăn

(Chinhphu.vn) - Năm 2013, nhiều chính sách liên quan đến nhà giáo được ban hành, mang lại niềm vui, tiếp thêm sức để giáo viên vững tin đi tiếp trên con đường, nghề nghiệp đã lựa chọn. Bên cạnh đó, các nhà giáo mong muốn Nhà nước có thêm những chính sách để thu hút được nhiều người giỏi làm nghề dạy học.

20/11/2013 17:02

Để giữ chân giáo viên tâm huyết, năng lực, cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng - Ảnh minh họa

Thêm nhiều ưu đãi

Kể từ ngày 15/4/2013, Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành, đã mang lại niềm vui, tiếp thêm sức để giáo viên vùng cao yên tâm bám trường, bám lớp.

Theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam), nhưng chưa được sắp xếp, luân chuyển công tác về nơi khác thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Hơn 13 năm công tác tại một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, thầy giáo Lê Thành Văn (vanthanh_66@y...) không giấu được vui mừng, chia sẻ: “Ở trường, ngoài tôi, còn có hai cô giáo cũng gắn bó với trường đã hơn 10 năm. Hay tin sẽ được nhận khoản phụ cấp thu hút, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Phụ cấp thu hút là hoàn toàn chính đáng và cần thiết, để giảm bớt thiệt thòi và khuyến khích giáo viên tiếp tục bám trường, bám lớp”.

Không chỉ các giáo viên đang công tác, kể từ ngày 15/10, theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp một lần.

Từng gắn bó nhiều năm với giáo dục tỉnh nhà, nhà giáo Ngô Văn Minh (minhngo11@..., Hưng Yên) chia sẻ: “Tuy mức phụ cấp không cao nhưng các nhà giáo hưu trí chúng tôi cũng xem đây là sự quan tâm của Nhà nước, những năm tháng cống hiến trong ngành Giáo dục đã được ghi nhận”.

Còn đó những tâm tư…

Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg được ban hành là niềm động viên đối với các nhà giáo nghỉ hưu. Tuy nhiên, Quyết định này lại không đề cập đến đối tượng các giáo viên đã có thời gian giảng dạy, sau đó được điều động về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo, nay đã nghỉ hưu.

Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi các cấp, nhà giáo Lê Như Ánh Hồng (anhhongxanh@..., Tiền Giang) đã từng được đề bạt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng của 1 trường THCS tỉnh Tiền Giang, sau đó được điều về Phòng Giáo dục và Đào tạo của 1 huyện, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng và nghỉ hưu, nhưng nay không được hưởng trợ cấp này.

Bà Hồng cho rằng, như vậy gây thiệt thòi và thiếu công bằng vì đây là những người đã từng giữ vai trò nòng cốt trong chỉ đạo dạy và học ở các trường, đồng thời đảm nhiệm vai trò nghiên cứu, soạn thảo, hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra…, đưa việc giảng dạy đi vào nền nếp và đạt hiệu quả.

“Số tiền trợ cấp thâm niên không nhiều nhưng về mặt tinh thần thì cần lắm sự quan tâm này để tạo sự công bằng cho đội ngũ giáo viên”, bà Hồng bày tỏ.

Cũng liên quan đến chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhà giáo Lê Thu Nhị (nhik37@..., Hà Nội) chia sẻ: Theo quy định, một nhà giáo phải sau 6 năm (kể cả năm tập sự) đứng lớp mới được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp, những người từ ngành, nghề khác thì chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo không khuyến khích, thu hút được họ.

“Nếu có tính đến các chế độ phụ cấp khác như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút… thì các ngành nghề khác đều có các chế độ phụ cấp tương tự như phụ cấp công vụ, phụ cấp nghề… Như vậy, lương, phụ cấp của nhà giáo không cao hơn lương, phụ cấp của công chức, viên chức của các ngành, nghề khác trong khi bản thân chúng tôi phải đáp ứng nhiều yêu cầu và chịu nhiều áp lực mang tính đặc thù công việc”, bà Nhị nêu.

Băn khoăn về cách tính lương hưu

Một thực tế khác, cách tính lương hưu cũng là một trong những nguyện vọng các nhà giáo đã nghỉ hưu mong được xem xét, điều chỉnh. Theo nhà giáo Phan Văn Tâm (schoolstar@..., TP. Hồ Chí Minh), cách tính lương hưu cho các nhà giáo hiện nay không đồng nhất theo thời gian.

Từ năm học 2006-2007 trở về trước, lương giáo viên nghỉ hưu được tính bằng cách lấy trung bình cộng của 5 năm lương gần nhất và tính 75%. Đến giai đoạn năm học 2007-2010, lương giáo viên nghỉ hưu lại lấy trung bình cộng của 10 năm lương gần nhất và tính 75%. Từ năm học 2010-2011 cho đến nay, lương giáo viên nghỉ hưu lại trở về cách tính, lấy trung bình cộng của 5 năm lương gần nhất và tính 75%.

Sự thay đổi không đồng nhất này đã làm cho đối tượng nghỉ hưu trong giai đoạn năm học 2007-2010 phải chịu nhiều thiệt thòi so với người nghỉ hưu trước và sau đó vì giữa trung bình cộng 5 năm và trung bình cộng 10 năm có sự chênh lệch khá nhiều.

Tâm tư của nhà giáo Phan Thu Trà (trathuphuyen@..., tỉnh Phú Yên) là khoảng cách giữa các bậc lương đầu tiên giữa các ngạch lương của nhà giáo cũng không có sự chênh lệch lớn (1,86 – 2,10 – 2,34). Bà Trà cho rằng, sự chênh lệch như vậy không tương xứng với yêu cầu, tiêu chuẩn cũng như đặc thù công việc của mỗi ngạch, bậc. Vậy nên, không khuyến khích và tạo được sự cạnh tranh của nhà giáo trong phấn đấu đạt để được các ngạch, bậc lương cao hơn.

Còn bà Nguyễn Thị Thuý Hà (hathanhmai@..., Thừa Thiên Huế), nhân viên của 1 trường THCS thì băn khoăn: “Hiện nay, cùng công tác trong ngành giáo dục nhưng cán bộ công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo được hưởng phụ cấp công vụ 20%, nhà giáo trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp thâm niên nhưng nhân viên ngạch cán sự tại các trường học lại không được hưởng chế độ gì. Chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, có chính sách hỗ trợ với đối tượng này”.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân