In bài viết

Chính thức thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây

(HCM CityWeb) – Chiều 20/11, UBND TPHCM đã tổ chức lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây.

21/11/2011 10:10
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; đại diện các Bộ – ngành Trung ương và các tỉnh, thành phía Nam; các chuyên gia, công nhân Nhật Bản và Việt Nam cùng người dân trong khu vực. Lãnh đạo TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Dương Quan Hà. Đại diện Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki và Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Motonori Tsuno.
Công trình tầm cỡ khu vực
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết Đại lộ Đông – Tây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tư duy sáng tạo, năng động, thống nhất trong cách nghĩ, cách làm của các thế hệ lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên của TP. TP đã chắt chiu từ nguồn ngân sách có hạn của địa phương để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tái định cư và vấn đề an sinh cho người dân bị ảnh hưởng. Tổng giá trị đền bù, di dời giải tỏa cho dự án ước tính gần 5.000 tỉ đồng, với hơn 11.000 hộ dân trên địa bàn 8 quận – huyện, hơn 370 cơ quan đơn vị, cơ sở tôn giáo, an ninh quốc phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh, hàng trăm km đường dây điện lực, viễn thông, đường ống cấp, thoát nước đã phải di dời, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Đầu tháng 1/2005, dự án được khởi công dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tháng 2/2005, gói thầu “Xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm” được khởi công. Đến ngày 2/9/2009, tuyến đường phía Tây với tổng chiều dài 13,4km đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng và cũng chính tuyến đường này vào ngày 29/4/2011 được vinh dự mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Hạng mục nổi bật, tiêu biểu nhất trên toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây chính là công trình đường hầm vượt sông Sài Gòn, đây không chỉ là công trình có quy mô lớn, mà còn đòi hỏi yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật. Tháng 9/2007, mẻ bê tông đúc đốt hầm đầu tiên đã được đổ tại công trường bể đúc xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tháng 6/2008, công tác đúc 4 đốt hầm được hoàn thành và tiếp tục được kiểm tra, hoàn thiện, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng. Từ tháng 3 đến 6/2010, lần lượt các đốt hầm số 1, 2, 3, 4 với kích thước mỗi đốt dài 92m, rộng 33m, cao 9m và trọng lượng nặng 27.000 tấn đã được lai dắt 22km từ sông Lòng Tàu – Nhà Bè về đến sông Sài Gòn an toàn. Các đốt hầm được dìm và nối kết thành công, chính xác và đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, an toàn. Ngày 21/9/2010, lễ hợp long hầm vượt sông Sài Gòn đã được tiến hành. Có thể nói, đây là công trình hầm vượt sông hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và mang tầm vóc khu vực; khẳng định trí tuệ, bản lĩnh con người TP nói riêng và Việt Nam nói chung trong tham gia hợp tác thiết kế, thi công các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật tiêu chuẩn cao.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Việc hình thành, xây dựng thành công Đại lộ Đông – Tây là một minh chứng cụ thể về tầm nhìn, ý chí và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP các nhiệm kỳ VII, VIII, IX về xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị và cải thiện môi trường, xây dựng TPHCM trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, xứng đáng là TP mang tên Bác Hồ kính yêu.
Dự án Đại lộ Đông – Tây còn mang ý nghĩa rất đặc biệt, biểu hiện sâu sắc sự nối kết giữa quá khứ hào hùng với tương lai rạng rỡ của TP, gửi gắm niềm tin và hy vọng TP sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính – dịch vụ – thương mại cao cấp của TP và khu vực. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP sẽ tiếp tục giữ gìn, tô điểm, chỉnh trang công trình có quy mô và ý nghĩa quan trọng này…; tiếp tục quy hoạch, hoàn chỉnh các hạng mục cảnh quan, cây xanh, các tuyến monorail, xe buýt nhanh dọc theo đại lộ cùng tuyến buýt đường thủy kênh Tàu Hủ – Bến Nghé nhằm khai thác triệt để công năng của công trình, gắn kết với hệ thống các đường vành đai 3, 4, đường cao tốc, tạo điều kiện phát triển đồng bộ các khu đô thị ở phía Đông và Nam TP.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền TP, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã gửi lời cảm ơn chân thành đến nhân dân, các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn các quận – huyện đã hợp tác, chấp hành di dời, giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường; đã thông cảm, chia sẻ, chấp nhận một số khó khăn trong sinh hoạt, làm việc trong suốt thời gian xây dựng công trình; tổ chức giám sát chặt chẽ của cộng đồng đối với công trình, đã đóng góp công sức cùng TP trong sự nghiệp phát triển chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương sự sáng tạo, chủ động, nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân TPHCM khắc phục khó khăn để thực hiện dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Phó Thủ tướng khẳng định: Dự án Đại lộ Đông – Tây là một trong những công trình trọng điểm mang tính đột phá của TP, việc thực hiện thành công công trình có ý nghĩa to lớn này góp phần rút ngắn thời gian đi lại của người dân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm TP với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề cho phát triển đô thị phía Đông TP. Ngoài ra, Đại lộ Đông – Tây còn tạo thành trục giao thông nối kết TPHCM với hai vùng kinh tế lớn sau khi kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TPHCM – Trung Lương ở phía Tây và đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây ở phía Đông.
Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã giúp Việt Nam đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông thông qua JICA. Phó Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới tuyến đường sẽ được giữ gìn, chỉnh trang để ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành tuyến đường tiêu biểu của TPHCM đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt mọi mặt để quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả nhất đối với dự án hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Đông – Tây.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam TanizakiYasuaki nhận xét Đại lộ Đông – Tây là dự án tiêu biểu của TP và Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP trong thế kỷ 21. Đại sứ cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.
Tại buổi lễ, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (BQL) đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, 3 cá nhân gồm Trưởng BQL Lương Minh Phúc và 2 phó Trưởng ban Đào Xuân Ngọc, Vương Hoàng Thanh được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước; 13 tập thể và 14 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức, thi công, lắp đặt đường hầm vượt sông Sài Gòn và thông xe toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây.
Tóm tắt dự án đại lộ Đông - Tây
Dự án có tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng (tương đương 762 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản chiếm 65%, vốn ngân sách nhà nước 35%. Dự án có tổng chiều dài 22km, mặt cắt ngang phía quận 1 có chiều rộng bình quân từ 42m đến 60m, quy mô từ 8 đến 10 làn xe; mặt cắt ngang phía quận 2 có chiều rộng bình quân 100m, quy mô từ 10 đến 14 làn xe. Riêng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m bao gồm 371m hầm dìm, bề rộng 33m với quy mô 6 làn xe và 2 đường thoát hiểm.
Đại lộ có điểm đầu là Nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh), điểm cuối là Nút giao Cát Lái (Quận 2), trải dài qua địa bàn 8 quận, huyện bao gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Toàn tuyến đường có tổng cộng 11 cầu, 2 nút giao lớn với tổng chiều dài 3,2km và 8 cầu bộ hành được xây dựng mới. Tất cả hệ thống cầu, đường đều được xây dựng đạt tiêu chuẩn thiết kế và công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay.
Qua 10 năm thực hiện, dự án đã sử dụng tổng cộng hơn 61.000 tấn thép, 450.000 m 3 bê tông chất lượng cao, đào đắp 3 triệu m 3 đất, xây dựng hơn 1 triệu m 2 diện tích mặt đường. Đã có hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân và hàng ngàn lao động tham gia thực hiện dự án với tổng cộng 5,1 triệu ngày công lao động, trên 400 chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham gia với gần 7.500 ngày công để nghiên cứu, thiết kế và triển khai thực hiện dự án; đặc biệt không xảy ra tai nạn lao động đáng tiếc, đảm bảo môi trường và sức khỏe công nhân.

Một số hình ảnh tại buổi lễ (theo thứ tự diễn ra sự kiện):

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân báo cáo kết quả thực hiện dự án Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki phát biểu tại buổi lễ
Ông Trần Văn Mận, đại diện người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, phát biểu tại buổi lễ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Lao động cho 1 tập thể và 3 cá nhân
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân
Lễ cắt băng khánh thành dự án Những chiếc xe đầu tiên lưu thông qua hầm Thủ Thiêm

Minh Thư