In bài viết

Cho phép mang thai hộ: Nên hay không?

(Chinhphu.vn) – Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nêu trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Bên cạnh những quan điểm đồng tình, cũng có không ít ý kiến đề nghị cần “tiếp tục nghiên cứu”.

26/11/2013 19:14

Đại biểu Khúc Thị Duyền. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nên
Theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc): Mang thai hộ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thực tế thời gian qua, một số cặp vợ-chồng mong muốn được có con đã nhờ đến biện pháp này với những hình thức khác mà Nhà nước không quản lý được.

Vì vậy, việc đưa nội dung mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) lần này là cần thiết, để tránh những hậu quả phức tạp xảy ra mà không có pháp luật điều chỉnh, nhất là việc đảm bảo số phận pháp lý của những đứa trẻ sinh ra.

Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị dự thảo cần quan tâm hơn về quyền lợi của người mang thai hộ như: Quyền được đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc khám sức khỏe định kỳ cho người mẹ và thai nhi, các điều kiện chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sau sinh.

Bên cạnh đó, dự thảo cần quy định cam kết đối với người mang thai hộ về thời điểm giao con, quan tâm, chăm sóc sức khỏe thai nhi trong thời kỳ mang thai. Đồng thời, cần quy định về nghĩa vụ của người nhờ mang thai hộ như: Đảm bảo các điều kiện cần thiết để chăm sóc sức khỏe người mang thai hộ trong quá trình mang thai và sinh con, nhất là những rủi ro không may xảy ra với cả người mang thai và đứa trẻ sinh ra.

Ngoài ra, Đại biểu đặt giả thiết trường hợp hai vợ chồng ly hôn trong thời kỳ nhờ mang thai hộ thì giải quyết như thế nào về các nghĩa vụ đối với người mang thai hộ và khi đứa trẻ sinh ra. Do vậy, dự thảo cần có quy định về việc này.

Cùng quan điểm đồng tình với quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) góp ý thêm: Trong thực tế cuộc sống, những người mang thai hộ với những tai biến, rủi ro trong thai sản, pháp luật của chúng ta chưa có sự điều chỉnh.

Hoặc việc mang thai hộ lúc đầu thì có tính chất nhân đạo nhưng về sau mang tính chất thương mại, có những trường hợp thách đố không bàn giao trẻ cho những người nhờ mang thai hộ. Bên nhờ mang thai hộ cũng có trường hợp vì không đạt được ý muốn do đứa con khi sinh ra không đáp ứng được, có thể thiếu tinh thần trách nhiệm nên không nhận lại đứa trẻ, cũng gây khó khăn cho người mang thai hộ… Do vậy, quy định điều kiện mang thai hộ phải rất chặt chẽ và phải nêu lên các điều kiện tiêu chuẩn cụ thể.

Đại biểu Lê Văn Hoàng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không nên

Cũng về chủ đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) bày tỏ chưa đồng tình với quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đại biểu đây là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều khía cạnh, đạo đức, xã hội và pháp lý, là vấn đề dễ bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Theo đại biểu Phúc, ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại là rất khó xác định. Khái niệm mang thai hộ như dự thảo luật nêu là chưa rõ, chưa có sức thuyết phục cao. Trường hợp vì nhân đạo mà người phụ nữ mang thai hộ phải gánh chịu những hậu quả, rủi ro từ khi mang thai đến sau sinh hoặc phải đánh đổi cả sức khỏe và tính mạng của mình thì sao? Người mang thai hộ có được xem là mẹ đẻ của đứa bé do chính mình sinh ra hay không?

Đại biểu dẫn chứng: Theo giải thích từ ngữ về cha, mẹ đẻ, về con được thể hiện tại Mục 18, Điều 8, dự thảo luật thì ai là mẹ đẻ? Người mang thai hộ thực hiện quá trình thai nghén sinh con hay là người góp tế bào trứng? Nếu cho rằng người chỉ góp tế bào trứng là mẹ đẻ còn người mang nặng đẻ đau, bất chấp nguy hiểm, tính mạng chỉ là người mang thai hộ là hoàn toàn không thỏa đáng, là xem nhẹ công lao sinh đẻ của người phụ nữ... Ngoài ra còn nhiều xung đột, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ, phần lớn đều do người phụ nữ phải gánh chịu.

Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề phức tạp cần phải được tính toán kỹ, đồng thời cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá cho đúng bản chất của việc mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không? Đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Cũng về chủ đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị xem xét thật kỹ nếu việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mà quá trình thực hiện xuất hiện nhiều yếu tố mất nhân đạo thì không nên đưa vào. Đại biểu gợi ý, dự thảo nên khuyến khích những người không sinh được con thì nhận con nuôi, đấy là một vấn đề hết sức nhân đạo, tạo điều kiện cho nhiều trẻ khi sinh ra không có bố, có mẹ, không có gia đình, không có ai chăm sóc, có nơi nương tựa, chăm sóc.

Cùng suy nghĩ tương tự, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị chưa nên quy định việc mang thai hộ vào luật và cần có thời gian để thu thập thêm ý kiến đóng góp từ nhiều nguồn của xã hội.

Bình Minh