Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”.
Chợ Bưởi hình thành thời gian nào không ai rõ, ngay các vị cao niên vùng này cũng chỉ biết rằng, chợ đã có từ lâu. Một số tài liệu cho rằng, chợ Bưởi có thể hình thành từ đời Lý, nhưng cũng có người cho rằng chợ hình thành từ giữa thế kỷ XIX. Nhưng chắc chắn những phiên chợ trao đổi hàng nông sản theo kiểu tự cung tự cấp tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó và quy mô được mở rộng theo sự phát triển của các làng quanh vùng. Chợ họp vào ngày các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Chợ Bưởi xưa kia được thuộc đất làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây, ngoại vi thành Thăng Long, nằm giữa hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù thuận lợi giao thương trên bến dưới thuyền (nhất cận giang, nhị cận thị) nên nơi đây dần trở thành một trong những trung tâm buôn bán sầm uất phía Tây thành Thăng Long gồm các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha…. Cùng với quá trình phát triển, dân các khu vực lân cận kéo về chợ Bưởi bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề...
Chợ Bưởi chính thức được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ bãi đất trống họp chợ sơ khai, chợ Bưởi được dựng lên những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và chỉ có 1 – 2 dãy nhà gỗ. Trước những năm 1930 của thế kỷ trước, người Pháp thay nhà gỗ bằng bằng cột bê tông che mưa nắng.
Mang tính chất chợ vùng ven, chợ Bưởi là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề quanh vùng như dệt lĩnh Yên Thái, Bái Ân, giấy của làng Yên Thái và dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh... Xung quanh khu vực chợ Bưởi, hoạt động sản xuất thủ công tương đối phát triển, chợ Bưởi theo đó cũng sôi động, người mua bán tấp nập. Đặc trưng nhất vẫn là nơi để cư dân quanh vùng buôn bán cây con giống. Người Hà Nội cũ muốn mua bất cứ thứ gì dân dã, đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy.
Các cụ cao tuổi của phường Nghĩa Đô kể lại, chợ Bưởi ngày xưa họp trên bãi đất rộng, có 2 khu. Khu buôn bán vật dụng hàng ngày, hàng thủ công nghiệp, hạt giống cây giống và khu buôn bán gia súc gia cầm. Quy mô nhất vào những hôm chợ phiên là khu buôn bán vật nuôi gồm ngựa và trâu bò, lợn, gà…. Cứ vào phiên chợ, khu bán gia súc lại tấp nập với hàng nghìn người về chọn mua con giống để chăn nuôi. Với cư dân vùng ven đô, chăn nuôi rất phát triển. Sự tấp nập đó được người đi chợ quy ước là “ngày tư, ngày chín” để họp phiên và những người ở xa có thể đem những gia súc tốt từ các nơi về đây buôn bán. ..
Chợ sinh vật cảnh
Ngày nay, do quá trình đô thị hoá, nghề nông không còn mà thay vào đó, mặt hàng buôn bán tại chợ hầu hết là thú nuôi, cây cảnh và diễn ra sôi động trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám từ ngã ba chợ Bưởi cho đến ngã ba phố Văn Cao ngày nay. Có thể gọi đây là chợ phiên sinh vật cảnh độc đáo ở ngay giữa Thủ đô.
![]() |
Một góc chợ Bưởi. Ảnh: Báo Đất Việt |
Chợ Bưởi giờ xây dựng khang trang, bề thế với nhiều mặt hàng mà bất cứ chợ nào cũng có. Tuy nhiên, những người hoài cổ vẫn có thể tìm thấy những nét xưa của chợ Bưởi họp đều đặn 1 tháng 6 phiên như thuở nào. Tuy không tấp nập như xưa, nhưng vào những ngày phiên, người tứ xứ lại đổ về để buôn bán hay vãn cảnh, tạo nên một bầu không khí chợ phiên hiếm hoi giữa chốn đô thị phồn hoa.
Cùng với quá trình đô thị hoá, " tấc đất tấc vàng”, đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên những phiên chợ Bưởi ngày nay không còn buôn bán hàng nông nghiệp mà chuyển sang buôn bán sinh vật cảnh phục vụ đời sống hiện đại của người dân thủ đô. Đây cũng là sự thích ứng trong quá trình phát triển của người dân buôn bán tại chợ Bưởi trước nhu cầu thay đổi.
Mặt hàng nông nghiệp cây giống giờ chỉ còn vài gánh hàng tại ngã ba đầu phố Hoàng Hoa Thám- Lạc Long Quân- Bưởi. Chăm chỉ và cần mẫn có mặt tại những phiên chợ là bà Thọ, người xóm Hoa Mai, Tây Tựu, Từ Liêm, chuyên bán các loại hạt giống và là địa chỉ của những ai còn vườn đất rộng khu ven đô này. Bà bắt đầu bán hàng ở đây từ năm 1972 với những mặt hàng chủ yếu là hạt giống rau. Bà cho biết, giờ ra bán hàng ở phiên chợ Bưởi cho đỡ nhớ, chứ người mua ngày càng ít; rau chủ yếu là rau thơm và hạt giống là những cây leo giàn như: mướp, bầu bí, xu xu… Người mua quanh vùng cũng nhớ bà Thọ nhất bởi chất lượng giống tốt, trồng cây nào chắc cây đấy. Bà cũng là người bán cây giống rau củ quả có tuổi nhất còn trụ lại đây.
Cũng tại đầu dốc Bưởi này, như thành lệ, vào những phiên chợ, nhiều người đem vật nuôi đến đây bán mang tính chất nhỏ lẻ. Ông Vy, nhà ngã ba đầu phố Hoàng Hoa Thám cho biết, giờ người buôn bán vật nuôi chuyên nghiệp ít lắm. Vật nuôi chủ yếu là của nhà ai có đem ra bán. Có lẽ đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người trong vùng nên cứ ngày phiên, họ lại đến đây mua bán trao đổi.
Để thích ứng với nhu cầu người dân đô thị, những phiên chợ giờ chủ yếu buôn bán sinh vật cảnh. Cứ vào những ngày chợ phiên, nhất là trùng vào cuối tuần, phố Hoàng Hoa Thám luôn đông nghẹt người đi chợ sắm cây cảnh, cá cảnh và chim cảnh…
![]() |
Chợ Bưởi mới được xây dựng lại. Ảnh Internet |
Quả thực, phố Hoàng Hoa Thám gần chợ Bưởi giờ nổi tiếng buôn bán sinh vật cảnh bình dân. Những ngày chợ phiên, nhiều người từ các nơi tấp nập mang về đây các loại cây cảnh, lan rừng, bon sai…; thay vì buôn bán gia súc gia cầm, người ta chuyển sang buôn bán cá cảnh, chim cảnh. Một sự thích nghi với thời đại mới nhưng nhờ đó, truyền thống chợ phiên vẫn còn.
Giờ không chỉ những người đứng tuổi mà cả thanh niên cũng đã nhớ tới câu “ngày tư, ngày chín” lên chợ Bưởi mua sinh vật cảnh. Một cái hẹn dễ thương và làm nên bản sắc của chợ Bưởi./.
Xuân Cường