PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Ngày 20/11/1953, trong khi cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên, được Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập, đang dự cuộc họp phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương – Đại tướng Navarre vội vã tung 6 tiểu đoàn lên chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sự bị động đối phó của Pháp bắt đầu bộc lộ. Mặc dù Bộ chỉ huy Pháp lúc đó vừa kết thúc cuộc hành binh Hải Âu với 32 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, thiết giáp tham chiến, có cả hải quân và không quân yểm trợ, đánh vào khu vực Rịa, Nho Quan và phía Bắc Thanh Hóa, đang tỏ ra chủ quan về cái gọi là giành lại “sự chủ động” trên chiến trường, nhưng chỉ cần một hoạt động tác chiến của ta đang triển khai một cách bình thường như vậy đã khiến kế hoạch của Bộ Chỉ huy Pháp bị đảo lộn hoàn toàn, buộc phải quay sang đối phó với hoạt động của ta.
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, động thái này của quân Pháp, với việc bị động chấp nhận cuộc quyết đấu ở Điện Biên Phủ, càng minh chứng cho chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt, nhạy bén khi đề ra kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, lại càng tỏ rõ sự đúng đắn, quyết đoán kịp thời khi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, dồn toàn lực cho trận đánh quyết định này.
Vì sao Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử”?
Ngày 6/12/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua báo cáo và sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch chiến dịch của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, dựa trên nhiều căn cứ.
Thứ nhất, cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, đang ở giai đoạn liên tiếp mở ra các chiến dịch chủ động tiến công quân Pháp. Thế và lực của cuộc kháng chiến đến thời điểm đó cho phép mở trận quyết chiến lược để giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.
Mặc dù so sánh lực lượng về quân sự nói chung, ta còn thua kém địch cả về quân số (ta: 290.000 quân; địch: 449.000 quân), vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh… nhưng trình độ và kinh nghiệm tác chiến của bộ đội ta đã được nâng lên rất nhiều. Hình thức phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm, tuy bộ đội ta chưa đánh thắng được nhưng không phải là hoàn toàn mới mẻ và không thể đánh thắng được, một khi có cách đánh phù hợp, có pháo binh hạng nặng và tập trung ưu thế binh lực áp đảo địch trong phạm vi một chiến dịch.
Trong lúc đó, Bộ chỉ huy quân Pháp đã tỏ rõ sự bị động về chiến lược và chiến dịch khi đem một lực lượng lớn quân cơ động tinh nhuệ lên địa bàn Điện Biên Phủ xa xôi, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không, tổ chức phòng ngự, chờ bộ đội ta tiến công để đối phó lại. Đây là một tính toán sai lầm của Tổng chỉ huy Navarre dựa trên sự đánh giá sai lầm và chủ quan về khả năng tiến công của đối phương, mà ta có thể lợi dụng để đánh bại kẻ thù bằng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm của toàn quân, toàn dân.
Về chủ trương của Đảng, căn cứ vào thực tiễn chiến trường, không phải và không thể đánh tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Pháp xâm lược, mà tập trung lực lượng vào một đòn quyết định nhằm đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh, buộc Bộ chỉ huy Pháp phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng Việt Nam bằng sức mạnh quân sự. Thực tế là, sau thất bại to lớn ở Điện Biên Phủ, toàn bộ hơn 16.000 quân địch phòng thủ trong tập đoàn cứ điểm này bị tiêu diệt, bị thương, bị bắt sống, tuy chỉ chiếm 4% tổng binh lực của đội quân viễn chinh Pháp và quân đội các quốc gia liên kết ở Đông Dương, nhưng ý chí xâm lược đã hoàn toàn bị tiêu tan bởi hình thức phòng ngự cao nhất của Pháp cuối cùng cũng bị thất bại.
Sau hơn 8 năm trường kỳ kháng chiến, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân đều thể hiện sự quyết tâm chiến đấu cao, lòng tin vào thắng lợi. Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã dự kiến các tình huống, những hạn chế, khó khăn có thể xảy ra cũng như những yêu cầu thực tế đặt ra phải giải quyết cả về cách đánh tập đoàn cứ điểm, huy động tập trung lực lượng, đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho tác chiến dài ngày, đường sá, cũng như việc kéo pháo vào trận địa… Đây là kết quả của những cố gắng nằm ngoài sức tưởng tượng của Bộ chỉ huy Pháp nhưng lại nằm trong khả năng thực hiện của quân và dân ta.
Khi chiến dịch đang diễn ra, quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” khi tình hình mặt trận đã thay đổi, địch đã tăng cường lực lượng và bố phòng kiên cố, khi khả năng đánh bại tập đoàn cứ điểm chưa đảm bảo chắc chắn, cũng là một quyết định lịch sử, góp phần to lớn vào thắng lớn cuối cùng.
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, quyết định chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược còn mang ý nghĩa lịch sử ở chỗ đây là đòn phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao rất nhịp nhàng, đúng lúc và hiệu quả. Tháng 11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Thụy Điển Expressen, đưa ra khả năng đàm phán ngoại giao để giải quyết cuộc chiến tranh. Tháng 1/1954, hội nghị 4 nước lớn họp tại Berlin quyết định triệu tập một hội nghị quốc tế tại Genève bàn về chiến tranh Đông Dương, dự kiến sẽ họp vào ngày 8/5/1954, thì chiều ngày 7/5, quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho cuộc đàm phán.
Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và giành được thắng lợi vang dội trong chiến dịch đó sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh còn là một đòn đánh mang tính quyết định vào ý đồ của Chính phủ Pháp ở Paris và Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương hòng giành một thắng lợi quân sự để bước vào đàm phán trên thế mạnh, rút ra khỏi cuộc chiến tranh hao người, tốn của “trong danh dự”.
Cuộc đấu trí, đấu lực cả trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta giành thắng lợi.
Phương Liên