Tại buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, diễn ra ngày 22/4 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Bộ KH&ĐT cũng ước tính, đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Đặc biệt, tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang rộng mở sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với ba trụ cột mới, gồm công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư.
Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam và trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ năm 2023.
Trong đó, Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) đã ký kết và trao đổi biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực này.
Cụ thể, hai bên cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Hoa Kỳ, đồng thời hợp tác để thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ. Về lâu dài, Silvaco trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor, còn FPT Semiconductor là đại diện và nhà phân phối độc quyền phần mềm của Silvaco trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
'Dòng chảy lịch sử' đã chọn chip bán dẫn
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho biết, cùng với AI và công nghệ ô tô, lĩnh vực bán dẫn đang là hướng đi mà khối công nghệ FPT sẽ tập trung trong thời gian tới.
Riêng ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa. Năm 2022, FPT đã ra mắt thế hệ sản phẩm chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật cho lĩnh vực y tế.
Hiện, Tập đoàn đã ký hợp đồng 70 triệu chip cung cấp đến 2025 cho Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. FPT đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác, cung ứng chip cho khách hàng trên toàn cầu.
Đối với mảng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, FPT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 10.000 nhân sự cho ngành bán dẫn, đóng góp vào mục tiêu có 50.000 nhân sự bán dẫn của Chính phủ.
Trong năm 2024, FPT nhận chuyển giao chương trình đào tạo ngành công nghệ bán dẫn từ Anh, triển khai tại Cao đẳng Anh Quốc BTEC (hệ đào tạo liên kết quốc tế thuộc Trường Cao đẳng FPT Polytechnic).
Tháng 3/2024, chương trình đào tạo ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Hệ thống đào tạo FPT Jetking, hợp tác với Ấn Độ đã khai giảng. Bên cạnh đó, FPT còn phối hợp với các Việt kiều - mở lớp đào tạo đầu tiên Tresemi (Cây tre + bán dẫn) và đã có 120 học viên đầu tiên.
"Tôi sang Mỹ làm việc với nhóm TreSemi và phát hiện, 25 năm trước nói về phần mềm, FPT luôn dựa vào mình, tự lực cánh sinh. Nhưng trong ngành bán dẫn, người Việt Nam, Việt Kiều đang hướng về đất nước. Đây là lực lượng sẵn sàng và có tính quyết định.
Lực lượng bán dẫn là người Việt trên thế giới rất hùng mạnh. Tại buổi làm việc đó, chúng tôi đã bàn nhau mở Câu lạc bộ bán dẫn, Vinasa nâng cấp thành Ủy ban phát triển công nghiệp chip bán dẫn", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn FPT đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Đây sẽ là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm nữa.
Bộ trưởng nhấn mạnh, FPT muốn phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử phải có tầm nhìn lớn hơn và quyết tâm lớn hơn nữa.
Nắm bắt cơ hội mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khẩn trương xây dựng Ðề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.
Chủ trì buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đề án này có tầm quan trọng rất lớn, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết thấu đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn, yêu cầu của nguồn nhân lực, các khâu thiết kế, chế tạo, sử dụng các sản phẩm vi mạch, bán dẫn…
Phó Thủ tướng cho rằng, cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài; trong đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy.
"Đề án cần đưa ra những "gói" cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, để hình thành và bảo đảm các điều kiện (cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị) cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, cùng các tiêu chí rõ ràng trên cơ sở kế thừa các trung tâm, cơ sở nghiên cứu hiện có…
"Đề án cần có tư duy xuyên suốt, thống nhất theo chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, đưa ra sản phẩm, dự án cụ thể về tiến độ, đơn vị chịu trách nhiệm, không để chồng chéo, dàn trải", Phó Thủ tướng lưu ý.
Được biết, ngày mai (24/4), Hội thảo về nguồn nhân lực bán dẫn – Cơ hội từ ngành công nghiệp tỷ đô sẽ diễn ra tại Hà Nội.
HM