Ảnh minh hoạ |
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bà Thanh như sau:
Theo thông tin bà Mai Kiều Thanh cung cấp, nhận thấy vợ chồng bà Thanh đã không chung sống cùng nhau một thời gian dài. Người chồng đã bỏ đi, vắng mặt tại nơi cư trú của vợ chồng từ hơn 2 năm nay, không còn quan tâm bỏ mặc vợ, con. Tình cảm vợ, chồng không còn tồn tại. Với những lý do đó, bà Thanh có thể nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ chồng bà cư trú, hồ sơ gồm:
- Đơn xin ly hôn
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ, chồng
- Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ, chồng
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản
- Bản sao giấy khai sinh của con
Nhưng việc bà Thanh đã mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và không biết nơi người chồng cư trú ở đâu sẽ gặp vướng mắc trong thủ tục ly hôn, cần phải giải quyết tháo gỡ như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 60 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch (trong đó có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn) thuộc UBND cấp xã nơi vợ chồng bà Thanh đã đăng ký kết hôn trước đây. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Vì vậy Bà Thanh cần đến UBND xã nơi trước đây đã đăng ký kết hôn với chồng để xin cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn từ sổ hộ tịch.
Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về hôn nhân và gia đình và có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, yêu cầu tuyên bố một người mất tích, yêu cầu tuyên bố một người là đã chết.
Theo Điều 74 Bộ Luật Dân sự, bà Thanh cần gửi đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ chồng bà Thanh cư trú.
Tòa án sẽ áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.
Trường hợp việc tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú đạt kết quả: Bà Thanh gửi đơn xin ly hôn, Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai để triệu tập bị đơn theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 154 Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể là niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo như:
- Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo
- Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo
- Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết
Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
Nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người chồng cố tình không có mặt thì tòa lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu người chồng vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trường hợp việc tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú không có kết quả: Bà Thanh có thể đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng bà mất tích theo Điều 78 Bộ luật dân sự và yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Tòa án sẽ quyết định tuyên bố mất tích đối với chồng bà Thanh. Căn cứ khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 2 Điều 78 Bộ luật dân sự, trong trường hợp vợ của người chồng bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.