In bài viết

Chống dịch COVID-19: Hà Nội sẵn sàng ứng phó cấp độ 4

(Chinhphu.vn) – Hà Nội đã sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để điều trị cho 1.000 người mắc COVID-19 cùng một lúc. Không chỉ vậy, Hà Nội còn chuẩn bị các kịch bản xấu hơn như 2.000 - 3.000 người mắc. Ở tình hình đó, Hà Nội hoàn toàn đáp ứng khả năng cứu chữa bệnh nhân.

03/04/2020 08:06

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Hà Nội chuẩn bị các phương án tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế của Thủ đô.

Chuẩn bị kịch bản cấp độ 4

Trao đổi với báo chí, TS. Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để điều trị cho 1.000 người mắc COVID-19 cùng một lúc. Trong đó, 30% bệnh nhân nặng phải thở máy.

Không chỉ vậy, Sở Y tế Hà Nội còn chuẩn bị các kịch bản xấu hơn như 2.000 - 3.000 người mắc COVID-19. Ở tình hình đó, Hà Nội hoàn toàn đáp ứng khả năng cứu chữa bệnh nhân.

Đối với các bệnh viện có trách nhiệm thu dung và điều trị bệnh nhân như Bệnh viện Bắc Thăng Long, hiện nay, hơn 300 bệnh nhân của bệnh viện này đã được cho ra viện hoặc chuyển sang các bệnh viện khác trước khi bệnh viện được chuyển đổi sang trạng thái chỉ phục vụ cho việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đã phân các khu thu dung điều trị, cách ly và khu hành chính dã chiến, trang thiết bị được đầu tư bổ sung với hơn 30 máy thở, lọc máu và chụp X quang tại giường. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 5 trường hợp nghi ngờ và gần 20 người F2.

Đối với Bệnh viện đa khoa Đức Giang, để chuẩn bị cho việc phân loại, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đã dành khu nhà với 150 giường bệnh, 30 bác sĩ và hơn 60 điều dưỡng để khám, điều trị. BV này được yêu cầu chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhi và sản phụ mắc COVID-19.

Hà Nội đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch, theo phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo nhân lực tham gia điều trị được tập huấn phác đồ điều trị, chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn với mục tiêu cứu chữa khỏi cho người bệnh và giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm trong khối bệnh viện, các cán bộ y tế, giữa các nhân viên phục vụ và người bệnh.

Tăng cường sàng lọc, phân tuyến

Bên cạnh đó, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trước hết là tổ chức thực hiện việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, cách ly người nghi nhiễm COVID-19, phải sàng lọc người bệnh ngay khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân luồng người có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ tới phòng chờ khám bệnh, phòng khám bệnh riêng, đảm bảo các điều kiện cách ly theo quy định...

Về phân tuyến điều trị, từ ca bệnh số 1-300 của Hà Nội, chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị cách ly. Từ ca bệnh tiếp theo, tiếp nhận điều trị cách ly trên nguyên tắc lấp đầy cơ số giường bệnh của từng bệnh viện sẽ chuyển sang bệnh viện khác theo thứ tự: Bệnh viện Bắc Thăng Long (230 giường); Bệnh viện dã chiến Mê Linh (200 giường); Bệnh viện Đức Giang (150 giường); Bệnh viện Thanh Nhàn (200 giường); Bệnh viện Hà Đông (140 giường); Bệnh viện Đống Đa (80 giường).

Với các bệnh viện trong và ngoài công lập, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bố trí phòng khám, khu cách ly có lối đi riêng biệt để tiếp nhận người bệnh đến khám; tiếp nhận các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... đến khám theo hướng dẫn của Bộ Y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

Để bảo vệ cán bộ y tế và gia đình, Hà Nội đã tổ chức tập huấn nhiều lần cho cán bộ, người lao động từ bảo vệ, trông giữ xe, lái xe, hộ lý... về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, chăm sóc người bệnh, hướng dẫn ngăn ngừa và điều trị cho bệnh nhân COVID-19...

Ngành y tế sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện sàng lọc, phân luồng và cách ly người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và đình chỉ hoặc đình chỉ tạm thời; rút giấy phép hoạt động/chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh.