In bài viết

'Chống dịch như chống giặc'! Vậy tại sao thầy thuốc không được áp dụng phụ cấp như lực lượng vũ trang?

(Chinhphu.vn) - Có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháp gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng, đó là: Thiết kế bảng lương phù hợp; áp dụng phụ cấp nghề nghiệp và phụ cấp đặc biệt để khi có biến cố xảy ra.

25/02/2022 18:00
'Chống dịch như chống giặc'! Vậy tại sao thầy thuốc không được áp dụng phụ cấp như lực lượng vũ trang? - Ảnh 1.

Ông Bùi Sĩ Lợi: Ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Vậy tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?

Chưa lường hết những biến cố

Tại tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế", phân tích về những bất cập về cơ chế đãi ngộ đối với cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Hệ thống pháp luật của chúng ta là đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta chưa lường hết được chính sách đãi ngộ cho ngành y tế như trong trường hợp đại dịch COVID19.

Theo ông Lợi: "Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Có những cái chúng ta chưa giải quyết kịp thời về chính sách cho cán bộ y tế nên dẫn đến có nhiều tâm tư. Do đó, việc chúng ta chậm hoặc không tính đến đặc thù tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành y tế. Điều đó tác động đến vật chất, tinh thần các lực lượng cùng tham gia công tác phòng chống COVID. Đây là điểm lớn nhất. 

Tuy nhiên, chúng ta tự hào là họ vẫn kiên định vượt qua thách thức, vượt qua cuộc chiến chống dịch như chống giặc. Đây là điều rất quan trọng chúng ta trân trọng, đánh giá cao".

Ba nút thắt lớn về thể chế

Theo ông Bùi Sĩ Lợi: Có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháp gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng.

Vấn đề thứ nhất là ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.

Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân.

Ông Lợi chia sẻ, "điều này tôi đã kiến nghị từ lâu. Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang? Nhiều lần tôi nói rằng, đối với ngành y tế thì chú ý về vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được. Nhưng huyện, xã không có điều kiện thì chúng ta làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân".

Thứ ba, do đặc thù đặc biệt, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.

Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng: Nếu chúng ta giải quyết được những nút thắt này thì họ sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Dù chúng ta có nói tinh thần trách nhiệm, ý thức cách mạng như thế nào thì cuộc sống, đời sống của gia đình và chính bản thân bác sĩ phải được đảm bảo thì mới làm tốt và hiệu quả được.

'Chống dịch như chống giặc'! Vậy tại sao thầy thuốc không được áp dụng phụ cấp như lực lượng vũ trang? - Ảnh 3.

Cần có phụ cấp đặc biệt đối với ngành y tế để khi biến cố xảy ra có thể áp dụng ngay.

Tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết, nhất là đối với cán bộ y tế cơ sở.

"Chúng ta phải duy trì cô đỡ thôn bản và nâng phụ cấp cho cô đỡ thôn bản là chính sách rất quan trọng và rất đúng đắn. Đồng thời, cần tiếp tục mô hình bác sĩ gia đình. Thực tiễn chống dịch vừa qua cho chúng ta thấy rõ vai trò của y tế cơ sở - là pháo đài chống dịch, là nền tảng rất quan trọng'.

Phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, để cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế.

Luật Khám chữa bệnh đã có trong chương trình rồi, Luật BHYT và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được dự thảo trong chính sách tiền lương. Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động.

Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp.

Ông Lợi đề nghị, "trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn.

Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ"./.